pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đột quỵ và đột tử dễ gây nhầm lẫn, phân biệt bằng cách nào?
Không ít người nhầm lẫn giữa đột quỵ và đột tử khi người thân hoặc những người quen biết ra đi một cách đột ngột. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết rằng hai loại tai biến này hoàn toàn khác nhau.
Có thể phân biệt đột quỵ và đột tử qua một vài dấu hiệu nhận dạng dưới đây:
1. Phân biệt đột quỵ và đột tử
- Đột quỵ còn có tên gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bị tổn thương nghiêm trọng trong quá trình cung cấp máu lên não bị giảm, gián đoạn khiến não thiếu oxy, dưỡng chất nuôi tế bào.
Nhanh chóng sau đó chỉ vài phút nếu không cung cấp đủ máu lên não thì não sẽ bị chết dần, người bệnh sẽ có biểu hiện ngã quỵ đột ngột và bị liệt nửa người. Kèm theo đó có thể xuất hiện triệu chứng hôn mê. Tuy nhiên, tim của người bị đột quỵ vẫn hoạt động và người bệnh không ra đi ngay.
- Đột tử lại là một biến cố có liên quan đến tim mạch. Đây là tình trạng xảy ra khi tim đột ngột ngừng đập. Hầu hết những người bị đột tử sẽ ra đi luôn trừ khi được đưa vào viện và nhận được chăm sóc kịp thời từ bác sĩ.
Tình trạng đột tử thường xảy ra ở những người có trái tim không khỏe mạnh nhưng lại không được phát hiện.
2. Nguyên nhân gây đột quỵ và đột tử khác nhau như thế nào?
- Nguyên nhân gây đột quỵ:
Đột quỵ xảy ra thường do các cục máu đông tại chỗ của động mạch não hoặc cục máu đông từ xa chuyển đến gây tắc động mạch não. Trong khi đó, máu không kịp để nuôi dưỡng não gây hậu quả não bị hoại tử và chết.
Ngoài ra, đột quỵ là bệnh thường gặp do các yếu tố có liên quan đến bệnh lý như: Người bệnh có tiền sử cao huyết áp, mắc bệnh liên quan đến tim, bệnh mạch vành và người bị đái tháo đường, mỡ máu cao.
Không chỉ bệnh lý ảnh hưởng gây ra đột quỵ, một số nguyên nhân khác có thể gây đột quỵ như người thừa cân, béo phì, người hút thuốc lá, uống rượu bia.
Đặc biệt người đã có tiền sử bị đột quỵ, có thể bị đột quỵ trong vòng vài tháng sau lần đầu tiên. Không chỉ vậy, nguy cơ bị tái đột quỵ này còn cao trong vòng 5 năm trước khi nguy cơ này giảm dần.
=>> Nguyên nhân gây đột quỵ: 90% các cơn đột quỵ đều do điều này
- Đột tử xảy ra do nguyên nhân nào?
Thường bệnh đột tử xảy ra do các vấn đề có liên quan đến tim hoặc khi người bệnh có một trái tim không khỏe mạnh. Trong khi đó, trái tim đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể. Trái tim giúp bơm máu và dưỡng chất đến các cơ quan để nuôi sống toàn bộ cơ thể.
Trong khi đó nếu các chức năng của tim bị nghẽn tắc hoặc bị loạn nhịp tim thì trái tim của con người không thể hoạt động tốt. Do đó, bệnh đột tử thường xảy ra ở người bệnh bị bệnh mạch vành hoặc loạn nhịp tim.
Một số dấu hiệu khác cho biết bạn có khả năng mắc bệnh tim mạch và có nguy cơ đột tử cao như:
Gia đình có người trẻ tuổi mất đột ngột khi bác sĩ không xác định được nguyên nhân và suy đoán có thể do đột tử gây ra.
Trong gia đình có người mắc bệnh lý tim mạch vành, nhồi máu cơ tim và hội chứng loạn nhịp tim, cơ tim phì đại hoặc người mắc bệnh tim bẩm sinh.
Người bị tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu.
3. Phân biệt dấu hiệu thường xảy ra trước khi đột tử và đột quỵ xuất hiện
Đột tử có nguy cơ tử vong cao hơn đột quỵ, dấu hiệu nhận diện:
Đột tử khiến người bệnh có tỉ lệ tử vong cao hơn so với đột quỵ rất lớn. Các dấu hiệu cho biết người bị đột quỵ cũng chỉ xảy ra trong vòng 1 tiếng. Một vài dấu hiệu xuất hiện trước khi đột tử như:
- Người bệnh có cảm giác hồi hộp, khó thở, mệt mỏi.
- Nhanh chóng sau đó là dấu hiệu đau ngực, bị suy hô hấp, người bệnh sẽ tụt huyết áp, da bị xanh tái và thở mệt.
- Nhịp tim tăng nhanh chóng khiến người bệnh rơi vào tình trạng mất tri giác và tử vong.
Sau khi bệnh nhân bị loạn nhịp tim, nếu được nhập viện và kịp thời xử lý với các phương tiện hồi sức đầy đủ, chuyên nghiệp thì mới có khả năng sống sót.
Tuy nhiên, các triệu chứng của đột tử khá giống với các bệnh khác, điều này khiến bệnh khó xác định được chính xác. Do đó, khi xuất hiện triệu chứng nghi ngờ thì người bệnh nên đến bệnh viện để thăm khám bác sĩ kịp thời. Đặc biệt những người mắc bệnh tim hoặc trong gia đình có tiền sử bị đột quỵ thì nên thường xuyên tầm soát bệnh.
Dấu hiệu của đột quỵ:
Những triệu chứng cảnh báo đột quỵ xảy ra và biến mất nhanh nhưng cũng lặp lại nhiều lần nên bạn cần cảnh giác.
- Người bệnh bị hoa mắt, chóng mặt và đột ngột mất cân bằng.
- Kèm theo đó là dấu hiệu bị đau đầu dữ dội, nhanh chóng.
- Có thể xuất hiện cảm giác buồn nôn, nôn.
- Người bệnh cảm thấy mệt, không có sức, tê mặt hoặc nửa mặt, cười méo miệng, tay chân cử động khó hoặc không cử động.
- Liệt một bên thân mình và không thể nâng hai cánh tay qua đầu đồng thời.
- Khó phát âm, không rõ, dính chữ và ngọng bất thường là dấu hiệu của đột quỵ.
4. Khác nhau trong phương pháp điều trị đột quỵ và đột tử
Điều trị đột tử bằng cách nào?
Khi tim người bệnh đột ngột ngưng do đột tử, kịp thời đưa đến bệnh viện sẽ được nhân viên y tế hồi sức cho người bệnh bằng CPR và máy khử rung tim. Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật để đặt máy khử rung tim cấy ghép (ICD) nếu phù hợp với người bệnh. Thiết bị này có thể gửi các xung điện vào tim nếu nó ngừng đập.
Người bệnh vẫn có thể bị chóng mặt và bất tỉnh do tim ngừng đập. Tuy nhiên, nếu có thiết bị cấy ghép thì có thể giúp tim đập trở lại.
Dù chưa có cách chữa trị cho hầu hết các nguyên nhân gây ra đột tử ở người bệnh nhưng nếu được chẩn đoán mắc một số bệnh lý hoặc vài vấn đề sức khỏe làm tăng nguy cơ đột quỵ thì có thể thực hiện các bước nhằm giúp ngăn ngừa các vấn đề nghiêm trọng khác xảy ra.
Điều trị đột quỵ:
Mục đích của điều trị đột quỵ giúp giảm tỷ lệ tử vong và còn đem lại hiệu quả nhằm hạn chế tối đa mức độ tàn phế của người bệnh. Do đó, người bệnh được điều trị cấp cứu và tối ưu hóa tình trạng thần kinh nhằm hạn chế lan rộng ổ tổn thương, phòng ngừa các biến chứng và phục hồi chức năng cũng như phòng ngừa tái phát.
Nguyên tắc điều trị đột quỵ cần tuân theo như sau:
- Hồi sức cấp cứu đúng cách và kịp thời cho người bệnh.
- Chống phù não tích cực.
- Điều trị đặc hiệu theo thể chảy máu não hoặc nhồi máu não.
- Thực hiện điều trị triệu chứng như chống co giật, cần điều chỉnh đường huyết, hạ thân nhiệt,...
- Điều chỉnh nước, điện giải.
- Phòng chống bội nhiễm phổi và đường niệu.
- Đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân hàng ngày.
- Cần thực hiện hồi phục chức năng, chống loét, chống teo cơ và cứng khớp.
- Điều trị phẫu thuật, điều trị phục hồi mô não bằng tế bào gốc.
- Điều trị dự phòng tái phát cho người đã từng mắc đột quỵ vì có nguy cơ tái phát đột quỵ trong những lần tiếp theo sau đó vài tháng.
=>> Điều trị đột quỵ sai cách có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Đọc thêm bài viết: 8 hiểu lầm về đột quỵ não có thể khiến bạn điều trị căn bệnh này sai cách
5. Biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nguy cơ đột quỵ và đột tử xảy ra
Muốn kiểm soát được nguy cơ mắc bệnh đột tử và đột quỵ thì mọi người cần thực hiện thăm khám sử khỏe định kỳ 6 tháng/lần.
Đặc biệt, những gia đình có tiền sử bị mắc bệnh tim mạch hoặc khi xuất hiện các dấu hiệu bị bệnh tim mạch như ngất xỉu, hồi hộp, đánh trống ngực thường xuyên mà không rõ nguyên nhân hoặc hay bị đau tức ngực khi chơi thể thao,... đều cần tầm soát xem có sự bất thường ở tim hay không.
Người mắc bệnh lý như: cao huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cần điều trị và thường xuyên kiểm tra các chỉ số. Ngoài ra, cần đảm bảo các chỉ số ở giá trị lý tưởng.
Để bảo vệ sức khỏe mọi người cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, không hút thuốc lá để phòng tránh nguy cơ bị đột quỵ và đột tử có thể xảy ra.