pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dự án cầu Rạch Miễu 2 tăng tổng mức đầu tư lên hơn 6.800 tỷ đồng
Cầu Rạch Miễu 2 tăng vốn đầu tư thêm hơn 1.600 tỷ đồng
Ngày 18/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1083/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre.
Theo điều chỉnh, tổng chiều dài tuyến khoảng 17,6 km. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2026. Tổng mức đầu tư dự án là 6.810,11 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công.
Các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định số 1741/QĐ-TTg ngày 5/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, ngày 5/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre.
Theo đó, dự án cầu Rạch Miễu 2 có tổng chiều dài khoảng 17,5km. Điểm đầu giao cắt giữa Quốc lộ 1 với Đường tỉnh 870 thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, điểm cuối kết nối với Quốc lộ 60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông thuộc tỉnh Bến Tre. Quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế là 80km/h, với tổng mức đầu tư là hơn 5.175 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2021 đến năm 2025.
Như vậy, sau khi điều chỉnh, tổng mức đầu tư của dự án tăng từ 5.175,45 tỉ đồng lên 6.810,11 tỉ đồng, tăng hơn 1.600 tỉ đồng so với quyết định phê duyệt ban đầu.
Trước đó, theo lý giải của Bộ Giao thông vận tải, quá trình triển khai đến nay do nhiều nguyên nhân nên kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre gia tăng dẫn đến dự án bị đội vốn.
Dự án cầu Rạch Miễu 2 do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận là cơ quan được giao quản lý dự án. Đối với, công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư được giao 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre thực hiện.
Cầu Rạch Miễu 2 là công trình cấp bách trên địa bàn Tây Nam Bộ, có vai trò giảm ùn tắc trong bối cảnh cầu Rạch Miễu đã quá tải. Công trình bắc qua sông Tiền, nằm trên tuyến đường huyết mạch nối TPHCM và các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng.
Việc đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 kết nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia và quy hoạch của các địa phương đã được phê duyệt, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao trên tuyến Quốc lộ 60, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của 2 tỉnh nói riêng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung.