pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dư chấn động đất từ Myanmar lan đến TPHCM, Hà Nội khiến nhiều người hoảng sợ

Nhà sập do động đất ở Myanmar. Ảnh: X
Theo ghi nhận, tại Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nhân viên và người dân đến làm việc đã cảm nhận được rõ ràng sự rung lắc. Chị Hằng, một người dân đến làm việc tại Cục Thuế, kể lại: "Tôi đang ngồi chờ tới lượt giao dịch thì bỗng thấy mọi người ầm ầm hô hào động đất và những người đang làm việc trên lầu ùa xuống chạy ra ngoài, ai cũng hoảng sợ!".
Clip: Nhân viên Cục thuế TPHCM và người dân hoảng loạn chạy ra ngoài bãi xe khi có ảnh hưởng động đất
Anh Hùng, một cán bộ thuế làm việc tại trệt, cho biết thêm: "Tôi làm việc ở dưới tầng trệt nên ban đầu không cảm nhận được sự rung lắc. Đến khi thấy các đồng nghiệp trên lầu hốt hoảng ùa xuống và nghe thấy lệnh sơ tán ra ngoài thì mọi người đều hoảng hốt chạy nhanh qua bên đường để đảm bảo an toàn".
Tuy nhiên, sự việc chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn. Sau khi cảm nhận được rung lắc đã chấm dứt và nhận thấy không có dấu hiệu nguy hiểm nào khác, mọi người đã dần ổn định lại tinh thần, nhanh chóng quay trở về vị trí công việc của mình như bình thường.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại nhiều tòa nhà cao tầng khác trong thành phố. Nhiều người dân đã nhanh chóng di chuyển ra khỏi tòa nhà để đảm bảo an toàn nhưng sau đó cũng đã trở lại khi tình hình ổn định.

Mọi hoạt động trở lại bình thường ngay sau đó

Mọi người đã dần ổn định lại tinh thần và nhanh chóng quay trở về vị trí công việc của mình như bình thường
Hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục theo dõi và cập nhật tình hình.
Hà Nội rung lắc bởi trận động đất tại Myanmar
Khoảng 13 giờ 20 phút hôm nay, 28/3, nhiều người dân ở một số khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội (như Q.Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì) cho biết họ đã cảm nhận rõ sự rung lắc mạnh, nghi do dư chấn của động đất.
Tại quận Hoàng Mai, người dân ở một số khu chung cư như Vinaconex, Kim Văn-Kim Lũ cho biết hiện tượng rung lắc diễn ra liên tiếp 2-5 lần. Nhiều người dân ở các khu vực này đang ngủ, giật mình đã nhanh chóng tỉnh dậy và chạy ra khỏi tòa nhà.
Chị Nguyễn Thị Mai, sinh sống ở một khu chung cư tại khu Kim Văn-Kim Lũ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) cho biết thời điểm xảy ra rung lắc chị đang lơ mơ ngủ.
“Lúc đầu tôi nghĩ mình bị chóng mặt, tiền đình, song đứng dậy một lúc vẫn cảm nhận rõ sự rung lắc. Ra ngoài phòng khách thì thấy bóng đèn chum rung lắc mạnh, cả tòa nhà cũng như bị xê dịch. Hoang mang, lo lắng, tôi chạy ngay ra khỏi nhà, đi xuống sân chung cư. Sau 10 phút trấn tĩnh, mới lên nhà”, chị Mai thất thần nói.
Nhiều người dân khác ở một số chung cư trên địa bàn quận Hoàng Mai, quận Hà Đông, cũng cho biết họ cảm nhận rõ sự rung lắc của các vật dụng trong căn nhà của mình trong khoảng 3-5 phút. Thông tin dư chấn động đất cũng nhanh chóng được người dân chia sẻ trên các các nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook.
Trao đổi với phóng viên về thông tin trên, chuyên gia Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Các Khoa học Trái Đất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) - cho biết những biểu hiện rung lắc trên là do dư chấn của trận động đất có độ lớn 7,7 độ richter vừa xảy ra tại Myanmar vào lúc 13 giờ 20 phút 57 giây.
Theo vị chuyên gia trên, độ sâu chấn tiêu của trận động đất trên vào khoảng 10km. Dù trận động đất trên xảy ra tại Myanmar, song dư chấn của trận động đất này có thể ảnh hưởng rộng, nên người dân ở Hà Nội có thể cảm nhận được sự rung lắc.
Hiện tại, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Các Khoa học Trái đất vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Theo quy định, ủy ban nhân dân các cấp khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần phải bằng mọi hình thức thông báo tin trên đến nhân dân trong khu vực; tổ chức hướng dẫn sơ tán dân và huy động các phương tiện trên địa bàn để giúp dân sơ tán đến nơi an toàn; bảo đảm an ninh, trật tự khu vực.
Với người dân, khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần, mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng phải chủ động sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn.
Hùng Võ (VNP)