Cụ thể, từ ngày mùng 3 Tết Nguyên đán (tức ngày 7/2), rất nhiều phương tiện từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam đi lên thành phố Đà Lạt làm cho tuyến đường 3/4 từ đầu đèo Prenn vào thành phố bị ùn tắc. Đêm mùng 3 Tết Nguyên đán, trên tuyến đường dài chừng 1km này, hàng trăm phương tiện phải nhích từng mét để vào thành phố, trong khi làn ngược lại rất ít xe di chuyển.
Cho đến thời điểm trưa mùng 5 Tết Nguyên đán, nhiều tuyến đường chính như đường Hùng Vương, đường 3/4… cùng một số nút giao thông ở thành phố Đà Lạt vẫn tiếp tục xảy ra ách tắc cục bộ do đây là các tuyến đường chính, cửa ngõ của thành phố Đà Lạt đi Nha Trang hoặc về Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam.
100% cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự của Công an thành phố Đà Lạt đã được điều động tham gia điều tiết, phân luồng giao thông trong những giờ cao điểm.
Trung tá Nguyễn Văn Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Đà Lạt cho biết: Dự tính trước lượng du khách sử dụng phương tiện giao thông đường bộ vào thành phố tăng đột biến trong những ngày nghỉ Tết, lãnh đạo Công an thành phố đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng phương án, kế hoạch để điều tiết giao thông.
Từ ngày mùng 3 Tết, ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đã có hướng dẫn phân luồng cho các phương tiện vận tải hành khách từ 16 chỗ trở lên đi theo hướng đèo Mimosa để vào thành phố Đà Lạt. Trước đây tất cả các phương tiện vận tải hành khách đều được đi theo hướng đèo Prenn. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện mới ghi nhận vài vụ tai nạn giao thông không nghiêm trọng, giảm nhiều so với cùng thời điểm năm 2018.
Được biết hệ thống khách sạn, nhà nghỉ và các homestay của thành phố Đà Lạt hiện có sức chứa tới 50.000 khách/ngày đêm. Tuy nhiên trong những ngày đầu xuân này, tất cả các phòng nghỉ đều đã kín chỗ. Thậm chí trong đêm mùng 3 Tết Nguyên đán, nhiều du khách đã phải căng lều trại ngủ qua đêm bên hồ Xuân Hương hoặc ngủ trong xe ôtô để ngoài đường do không tìm được phòng nghỉ. Giá phòng nghỉ tăng từ 2- 3 lần so với ngày thường, nhưng do mức giá này đã được niêm yết từ trước và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước nên không xảy ra tình trạng du khách phàn nàn về giá cả dịch vụ.
Lượng du khách quá đông cũng khiến dịch vụ du lịch, ăn uống trên địa bàn thành phố Đà Lạt bị quá tải. Tại nhiều nhà hàng, thực khách phải chờ cả tiếng đồng hồ mới có đồ ăn dù đã đặt bàn từ trước. Giá dịch vụ ăn uống cũng tăng từ 30-50% so với ngày thường.