Dự thảo buộc thôi học sinh viên sư phạm bán dâm 4 lần: 'Quy định kỳ quặc'

30/10/2018 - 12:05
Tuy mới chỉ dừng ở mức dự thảo để lấy ý kiến và đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã thừa nhận thiếu sót, song quy định sinh viên sư phạm khi bán dâm 4 lần sẽ bị bị buộc thôi học đã gây nên phát ứng gay gắt trong dư luận. Trả lời PV Báo PNVN, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng, dù hiện tại bản dự thảo nói trên đã được Bộ GD&ĐT rút khỏi website, song vẫn có ảnh hưởng không tốt đối với ngành sư phạm.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT thừa nhận "có sơ suất"
 
Liên quan đến dự thảo của Bộ GD&ĐT về việc sinh viên ngành sư phạm nếu hoạt động mại dâm đến lần thứ tư sẽ bị buộc thôi học đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, sáng 30/10, trả lời PV Báo PNVN, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, thừa nhận đây là do “sơ suất” của Bộ khi trình dự thảo.
 
thu-truong.jpg
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

 

Theo bà Nghĩa, trong quy chế công tác HSSV theo QĐ số 42/2007/QĐ-BGDĐT ban hành từ năm 2007 đã có nội dung xử phạt sinh viên bán dâm (hoạt động mại dâm). Tuy nhiên, từ tháng 1/2017, Bộ LĐ-TB&XH sẽ quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với đối với 201 trường cao đẳng, 303 trường trung cấp chuyên nghiệp, còn lại các trường sư phạm, ngành đào tạo giáo viên vẫn do Bộ GD&ĐT quản lý.
 
Song, sau khi phân cấp quản lý các trường giữa Bộ LĐ-TB&XH với Bộ GD&ĐT, thì quy định trong QĐ số 42/2007/QĐ-BGDĐT  lại không được “sửa kịp thời”, do đó dẫn đến “hiểu nhầm”.
 
“Trước đây có một quy định riêng cho cả đại học và cao đẳng về mức xử phạt đối với sinh viên vi phạm quy chế. Sau này thì các một số trường thuộc về đào tạo nghề do Bộ LĐ-TB&XH quản lý, còn khối các trường sư phạm vẫn do Bộ GD&ĐT quản lý, song quy định trên vẫn giữ nguyên, do đó nhiều người mới hiểu nhầm là chỉ sinh viên sư phạm bán dâm thì mới bị xử lý, đó là do nhầm lẫn thôi”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa giải thích.
 
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng thừa nhận Bộ GD&ĐT đã có sơ suất và sẽ sửa đổi các quy định trong dự thảo sao cho phù hợp. “Trong quá trình cập nhật các phiên bản dự thảo để đưa lên cổng thông tin điện tử xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, ban soạn thảo đã sơ suất, chưa cập nhật dự thảo phụ lục quy định khung xử lý kỷ luật đối với một số hành vi vi phạm của HSSV bản dự thảo sao cho phù hợp. Phần nội dung quy chế kỷ luật liên quan đến hành vi vi phạm hoạt động mại dâm của HSSV sẽ được chỉnh sửa”, bà Nghĩa nói.
 
Trước đó, như PNVN đã phản ảnh trong dự thảo lấy ý kiến về việc Ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy của Bộ GD&ĐT, tại phụ lục có nêu nếu sinh viên ngành đào tạo giáo viên hoạt động mại dâm lần đầu sẽ bị khiển trách; lần 2 bị cảnh cáo; lần 3 đình chỉ học có thời hạn và lần 4 sẽ buộc thôi học. Dự thảo đang trong thời hạn lấy ý kiến góp ý đến ngày 26/11.
 
Quy định bất bình đẳng với ngành sư phạm
 
Nhận xét về quy định xử phạt sinh viên sư phạm bán dâm trong dự thảo nói trên của Bộ GD&ĐT, ông Lê Tuấn Tứ, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng đây là “quy định kỳ quặc”.
 
“Xét về mặt đạo đức, nếu sinh viên mà bán dâm hay hoạt động mại dâm là vi phạm rồi. Mà vi phạm thì phải xử lý theo đúng pháp luật chứ không cần phải 1 hay 4 lần làm gì cả. Quy định như dự thảo của Bộ GD&ĐT như vừa rồi là hơi kỳ quặc”, ông Tứ nói.
 
Cũng trong sáng 30/10, trao đổi với PV Báo PNVN, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng dù hiện tại bản dự thảo nói trên đã được Bộ GD&ĐT rút xuống khỏi website, song vẫn có những tác động ảnh hưởng không tốt đối với ngành sư phạm.
 
GS.TS Nguyễn Văn Minh nhìn nhận: “Bản dự thảo thì Bộ GD&ĐT đã rút xuống rồi nhưng mà vẫn để những dư âm không tốt trong dư luận.
 
Thứ nhất, dù Bộ GD&ĐT thừa nhận bản dự thảo có những sơ suất và đã rút xuống để sửa chữa lại, song những dư âm để lại trong dư luận là không tốt, đây là điều đáng tiếc.
 
20170302092434-gs-nguyen-van-minh.jpg
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội 

 

Thứ hai, hiện nay chúng ta đã có Pháp lệnh về phòng chống mại dâm ban hành từ năm 2003, mà trên nguyên tắc thì hiệu lực và phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh bao giờ cũng lớn hơn các quy định, thông tư của Bộ. Do đó, quy định của Bộ GD&ĐT khi ban hành cũng phải sao cho sát với quy định của pháp lệnh, chứ không nên tạo ra độ chênh không đáng có”.
 
Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, việc ban hành điều khoản quy định xử phạt đối với sinh viên sư phạm bán dâm trong dự thảo của Bộ GD&ĐT như vừa qua, ở góc độ nào đó còn tạo ra sự bất bình đẳng, phân biệt sinh viên ngành sư phạm với các ngành khác.
 
“Đã là quy định của pháp luật thì tất cả mọi người đều bình đăng như nhau, vậy tại sao lại chỉ quy định riêng là sinh viên sư phạm? Hơn nữa, đối với sinh viên ngành sư phạm hoàn toàn có thể điều chỉnh bằng các quy định linh hoạt hơn của các trường như là ban hành quy chế đối với đạo đức ngành sư phạm, đạo đức của người thầy”, GS.TS Nguyễn  Văn Minh nói.
 
GS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng, Bộ GD&ĐT nên tổ chức các cuộc hội thảo, buổi tọa đàm để lấy ý kiến từ các trường sư phạm trước khi công bố dự thảo thì sẽ tránh được điều đáng tiếc như vừa qua.
 
Khó quy trách nhiệm?
 
Trên thực tế, dù mới chỉ dừng ở mức dự thảo để lấy ý kiến và đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã thừa nhận thiếu sót, song quy định sinh viên sư phạm khi bán dâm 4 lần sẽ bị kỷ luật của Bộ này đã và đang gây nên những phản ứng gay gắt của dư luận, bởi đây được xem là trái truyền thống đạo đức và tác động xấu đến ngành sư phạm. Dư luận đang đặt câu hỏi: Ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước việc soạn thảo ra quy định được cho là “cẩu thả” như vừa qua?
 
Liên quan đến vấn đề trên, TS Đinh Thế Hưng, Trưởng phòng Hình sự, Viện nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), cho rằng rất khó quy trách nhiệm cụ thể cho Bộ GD&ĐT bởi những sơ suất do Bộ này gây ra.
 
hung.jpg
TS Đinh Thế Hưng, Trưởng phòng Hình sự, Viện nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) 
 
Theo TS Hưng, do cơ chế đặc thù, nên ở Việt Nam mỗi khi xảy ra những sơ suất thì đa số đều do cơ quan soạn thảo tự rút các dự thảo nghị định, thông tư... không phù hợp. “Thường thì nếu các Bộ hoặc Chính phủ ban hành nghị định hay thông tư không phù hợp thì sẽ tự rút, hoặc khi trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì cơ quan này sẽ bác đi”, TS Hưng cho biết. 
 
Tuy nhiên, TS Đinh Thế Hưng cho rằng việc dự thảo được Bộ GD&ĐT công bố công khai để lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận như vừa rồi là “điều đáng mừng”, bởi lâu nay có những Bộ vẫn âm thầm ra quy định, đến khi xảy ra bất cập thì rơi vào tình huống “việc đã rồi”, dễ gây hậu quả cho đối tượng trong phạm vi điều chỉnh nặng nề hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm