Doanh nghiệp - Doanh nhân

Đưa những chiếc giỏ 'made in Vietnam' ra thế giới

17/04/2019 - 06:50 PM
Trải qua 20 năm gây dựng với nhiều thử thách, giờ đây sản phẩm giỏ xách của Cơ sở hàng thủ công chị Lành tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An, không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh thành lớn trên cả nước mà còn là sản phẩm quen thuộc tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Năm 1996, chị Trần Thị Lành, chủ Cơ sở hàng thủ công chị Lành có cơ duyên tiếp cận với nghề đan giỏ xách và ngay lập tức bị cuốn hút nên xin được học nghề. Những ngày mới theo nghề, chị cặm cụi cả ngày cũng chỉ đan được 1 cái giỏ với số tiền công ít ỏi. Mặc dù vậy chị không hề nản chí, theo thời gian chị đan được nhiều hơn và trở thành thợ lành nghề.

             

img-4881.JPG
Chị Trần Thị Lành 

 

Sau một thời gian, chị Lành quyết định kinh doanh riêng dù khi ấy chị chưa hề nắm được nguồn nguyên liệu cũng như đầu ra của sản phẩm. Chuyến hàng đầu tiên sản xuất được 400 cái, hai mẹ con chị vất vả khuân vác, thuê xe tới chợ Hòa Khánh, Tiền Giang bày bán. Cả ngày chỉ bán được vài chục giỏ.

Có người mách, chị chuyển hàng xuống chợ An Hữu, vựa trái cây nhất nhì của tỉnh An Giang, nơi có nhu cầu rất lớn về mặt hàng giỏ xách trái cây nặng. Số hàng tồn tức thì được thanh lý hết trong một buổi chợ.

Ưu điểm của giỏ xách bằng chất liệu nhựa là rất chắc, bền, xách được nặng, thời gian sử dụng có thể lên tới 6-7 năm. Do đáp ứng được nhu cầu thị trường, khi ấy mặt hàng của chị phủ khắp nhiều chợ miền Tây: Cái Bè, Cai Lậy, Vĩnh Kim… với số lượng tiêu thụ ngày một tăng. Chị tiếp tục mở rộng thị trường tới TPHCM, tập trung chủ yếu ở Chợ Lớn Bình Tây, chợ Bến Thành… 

Không chỉ chuyên về các loại giỏ xách nặng, kích thước lớn, chị còn tạo ra những mẫu sản phẩm mới mang tính thời trang, học hỏi cách đan từ nhiều địa phương trên các chất liệu khác nhau để ứng dụng cho chất liệu nhựa. Chị Lành chia sẻ: “Gặp mẫu mới mà chưa tìm ra cách đan thì ngủ không được. Có những khi phải mất mấy tháng mày mò tôi mới tìm ra quy luật đan”. 

Các mặt hàng giỏ xách thời trang được gia công tại cơ sở của chị đã có mặt tại Hàn Quốc, Trung Quốc và đặc biệt được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản từ rất lâu, nhất là loại giỏ bông mai, bông tượng trưng cho sự may mắn, ấm áp. 

img-4882.jpg
Đoàn khách Nhật Bản tới thăm cơ sở hàng thủ công của chị Lành

 

Hiện Cơ sở hàng thủ công chị Lành có khoảng 50 mẫu túi các loại, tạo công ăn việc làm cho khoảng 60 người ở Cần Đước, Long An. Ngoài ra, tại Tân Hưng, Tiền Giang, Trà Vinh cũng có các điểm gia công cho cơ sở của chị. 

Cuối năm 2018, chị tiến hành đa dạng hóa sản phẩm sang chất liệu lục bình. Xưởng hiện đóng tại tỉnh Vĩnh Long và chỉ tập trung cho sản phẩm bán lẻ. 

Trải qua nhiều năm bươn chải với nghề, cũng có lúc chị Lành nản lòng trước nhiều áp lực nhưng chính niềm đam mê, lòng yêu nghề đã giúp chị bước qua khó khăn. Chị khẳng định: “Thành công sẽ không đến nếu không có đam mê.” 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn