Đừng biến con thành đứa trẻ 'chân không chạm đất'

21/04/2017 - 08:00
Trong khi nhiều cha mẹ ép con học, bắt con thi giải nọ giải kia, mang về những giải thưởng “danh giá” từ tuổi mầm non, tiểu học thì Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương (trường ĐHSP Hà Nội) cho rằng “thành công sớm là thủ phạm giết chết tương lai con trẻ”.
thanh-cong1.jpg
Thành công sớm sẽ khiến đứa trẻ huênh hoang, tự mãn. Ảnh minh họa

Đặt mục tiêu cho con gái lớp 3 phải đạt học sinh giỏi quốc gia vào năm lớp... 12

Chị Hoàng Kim Chi (Đông Anh, Hà Nội) tự hào khoe khắp nơi cô con gái đang học lớp 3 đạt giải nhất cuộc thi Rung chuông vàng cấp trường, giải nhì Olympic tiếng Anh cấp thành phố… Cuộc thi nào, chị cũng khuyến khích con tham gia. Chị còn đặt mục tiêu cho con sẽ phải đạt giải Cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia vào năm lớp 12, giành học bổng đi du học…

Chị vô cùng hãnh diện với cách hối thúc con học, với việc đầu tư không tiếc tiền của mình để con có thành công sớm như vậy. Chị tin tưởng, thành công của con ngày bé sẽ khiến tương lai của con mở rộng và dẫn bước cho những thành công nối tiếp sau này.

Giống như chị Kim Chi, nhiều cha mẹ cho con “thi thố” khắp các “mặt trận” với hy vọng con sẽ mang thành tích về. Họ nghĩ rằng, những đứa trẻ giỏi giang đạt giải nọ, giải kia không thể… thất bại trong cuộc sống sau này.

Ngược lại với những cha mẹ thích khoe con, tự hào về thành công của con, tiến sĩ Vũ Thu Hương lại từ chối cho con tham gia các cuộc thi dù khả năng của con được đánh giá khá cao.
Năm con gái chị học lớp 1, con được người chuyên chấm các cuộc thi vẽ trong nước và quốc tế dành cho thiếu nhi nhận xét là tài năng, thi kiểu gì cũng có giải.

Bình thường, phụ huynh khác nghe vậy, chắc sẽ lập tức cho con thi để cho con được trải nghiệm, cọ sát và hơn nữa là để có bằng khen mang về. Thế nhưng chị Vũ Thu Hương kiên quyết không cho con tới lớp luyện vẽ, không cho con tham gia cuộc thi vẽ nào. Bởi, quan điểm của chị là “điều con tôi cần là tương lai chứ không phải là thành công sớm”.

Chính vì hiểu tâm lý “háo danh” của cha mẹ mà nhiều chương trình học quảng cáo về việc tạo sự tự tin cho con thông qua các thành tích mà con đạt được. Tuy nhiên, theo chị Vũ Thu Hương, đã có sự nhầm lẫn giữa tự tin và huênh hoang, tự mãn ở đây.

Chị Vũ Thu Hương phân tích, người tự tin là người dám làm mọi việc dù thiên hạ có nhìn họ bằng ánh mắt khinh bỉ, nghi ngờ, hay bất kể điều gì. Họ làm vì họ tin là mình đúng, tin vào khả năng của chính mình.

thanhcong2.jpg
Sự tự tin mới mang lại thành công sau này cho một đứa trẻ. Ảnh minh họa

Soi gương tìm vết nhọ

Khi đứa trẻ thực hiện thành công một công việc gì đó, nó sẽ có niềm tin là sẽ hoàn thành công việc đó lần nữa. Sự tự tin tăng lên một bậc. Việc đó không nhất thiết phải là thành tích, phải đứng thứ nhất thứ hai so với người khác. Việc đó đơn giản chỉ là việc mà trước nay đứa trẻ chưa làm được và giờ đã làm được.

Còn khi có thành tích, đứa trẻ không phải là tự tin mà trở nên huênh hoang, là kiểu “chân không chạm đất”. Điều này không chỉ đến với đứa trẻ mà còn đến với tất cả mọi người khi họ có thành công gì đó mà được ghi nhận.

Người tự tin là người dám làm mọi việc, dám thừa nhận sai lầm và dám sửa sai để làm lại. Mọi việc như chúng ta đang nhìn đời qua một tấm gương. Khi sự việc không hay xảy ra, người tự tin, tỉnh táo và sáng suốt sẽ soi cái bóng của tấm gương đó. Khi đó, họ nhìn thấy chính mình trong tấm gương. Họ sẽ thấy vết nhọ trên mặt mình. Đó là khuyết điểm mình mắc phải. Họ thừa nhận vết nhọ đó và lấy khăn lau đi.

Người huênh hoang bị mờ bởi những vinh quang quá khứ, họ chỉ thấy những hình ảnh cuộc đời sau tấm gương đó, họ thấy hình ảnh thiên hạ tung hô họ trong thời hoàng kim. Vì không soi được bản thân, họ sẽ không nhìn thấy vết nhọ trên mặt mình và sẽ đem nó theo cả đời.

Người huênh hoang sẽ vô cùng khó khăn để sửa chữa sai lầm và do đó, tương lai của họ rất khó để có được thành công tiếp theo.

Vì không muốn con trở thành người tự mãn nên chị Vũ Thu Hương không giúp đỡ gì cho con trong các kì thi. Điều chị tạo cho con là “va vấp và thất bại”. “Mỗi lần thất bại, tôi cố giúp con "soi gương". Đến giờ, con tôi đã có kĩ năng soi gương tìm vết nhọ rồi”, chị Vũ Thu Hương chia sẻ, “Thành công khi con quá nhỏ rất tai hại. Giờ phút vui tươi thăng hoa diễn ra quá ngắn ngủi. Sau đó vầng hào quang quá khứ sẽ che mờ tấm gương Tự vấn bản thân. Vì thế, tôi không muốn con tôi có vầng hào quang nào trước khi con học được kha khá những bài học từ sự thất bại”.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm