Đừng chủ quan với mụn mọc ngược

Theo Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần - Assistant Professor tại ĐH Y khoa California Northstate University, Sacramento, California, Hoa Kỳ
10/09/2020 - 14:06
Đừng chủ quan với mụn mọc ngược
Đa phần mọi người nghĩ rằng, mụn mọc ngược đơn giản chỉ là một cục mủ dưới da và sẽ tự lành. Tuy nhiên, dù nặn hết phần mủ bên trong nhưng theo thời gian vết thương của mụn mọc ngược vẫn không lành.

PGS.BS Trần Huỳnh (Huynh Wynn Tran), ĐH Y khoa California Northstate University, Sacramento, California, Mỹ,  cho biết, nguyên nhân gây nên tình trạng trên là do phần nhiễm trùng ở sâu dưới da, "mọc ngược" thay vì mọc ra ngoài khác với mụn trứng cá. Quan sát hình cấu tạo của da cho thấy, phần bên dưới nang lông là mô mỡ, mạch máu, và dây thần kinh. Vì vậy, mụn mọc ngược sẽ gây nhiều triệu chứng hơn là mụn trứng cá.

Mụn mọc ngược không đơn giản như mọi người vẫn nghĩ - Ảnh 1.

Hình cấu tạo da (Ảnh: Facebook BS. Huynh Wynn Trần)

1. Triệu chứng của mụn mọc ngược

Mụn mọc ngược (Inversa acne/Hidradenitis suppurativa) thường bắt đầu bằng các khối u nhỏ, đau nhức (mụn nhọt) ở khu vực có nhiều tuyến mồ hôi và dễ nhiễm trùng như vùng nách, vùng gáy sau cổ, háng, mông, dưới vú, và đôi khi dưới cổ. Mụn mọc ngược có thể là một mụn, cục, hay nhiều cục mụn mọc ở nhiều nơi trên người. Tuy mụn mọc ngược nhìn sơ qua có thể giống mụn trứng cá, nhưng triệu chứng nặng hơn và có nhiều bệnh lý nguy hiểm hơn.

Các triệu chứng của mụn mọc ngược bao gồm: 

- Mụn đầu đen (blackheads): Mụn đầu đen là một trong những triệu chứng hay gặp, tương tự như mụn trứng cá, nhưng đầu có thể to hơn.

- Cục sưng đau nhức: Cục mụn sưng đau kích thước cỡ hạt đậu có thể kéo dài hàng tuần hay nhiều tháng, nếu không chữa trị kịp thời có thể mọc thêm các mụn nhọt khác. Các mụn này thường ở dưới nang tóc hay nang lông.

- Khe rãnh nhiễm trùng: Theo thời gian, các mụn nhọt lành và viêm thay phiên với nhau, tạo thành các rãnh nhăn nheo dưới da.

- Mùi hôi khó chịu: Do mọc ở nơi ẩm ướt và có nhiều mồ hôi, nơi có nhiều vi khuẩn yếm khí nên mụn mọc ngược thường có mùi hôi khó chịu.

2. Nguyên nhân và các rủi ro gây mụn mọc ngược (IA/HS)

Các bác sĩ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây mụn mọc ngược. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra mụn mọc ngược xảy ra khi tuyến nhờn, bã của lông và tóc bị nghẽn. Điều này có thể liên quan đến hormone dư thừa, yếu tố di truyền, hoặc cơ địa có nhiều vi khuẩn dễ gây nhiễm trùng. Gần đây, nhiều nhà nghiên cứu cho biết, bệnh mụn mọc ngược có liên quan đến hệ miễn dịch, IA/HS là tình trạng viêm mạn tính, tăng các Interleukin IL dẫn đến FDA chấp thuận các thuốc kháng viêm để chữa cho IA/HS sau này.

Điểm đáng lưu ý là nhiều bệnh nhân vệ sinh cá nhân sạch sẽ vẫn có thể bị bệnh mụn mọc ngược. Do đó, nguyên nhân gây mụn mọc ngược không phải do ở bẩn hay lười vệ sinh cá nhân. Các nhà khoa học cho biết, bệnh mụn mọc ngược không lây nhiễm.

Mụn mọc ngược thường xảy ra ở phụ nữ trong tuổi 18 - 29, bệnh ít xảy ra ở nam giới hơn. Bệnh nhân bị mụn mọc ngược tuổi càng trẻ thì rủi ro phát bệnh nặng hơn về sau càng nhiều.

Những yếu tố làm tăng rủi ro mụn mọc ngược, bao gồm:

- Thừa cân và béo phì.

- Hút thuốc lá.

- Stress cũng có thể làm tăng rủi ro bệnh mụn mọc ngược, tương tự như bệnh mụn trứng cá.

Mụn mọc ngược không đơn giản như mọi người vẫn nghĩ - Ảnh 2.

Mụn mọc ngược nhìn sơ qua có thể giống mụn trứng cá, nhưng triệu chứng nặng hơn (Ảnh: Internet)

3. Cách chữa trị mụn mọc ngược

Chữa trị mụn mọc ngược bắt đầu bằng việc chẩn đoán đúng. Phác đồ điều trị bệnh tùy thuộc vào cơ địa từng bệnh nhân. Mục tiêu điều trị là chữa hẳn vùng viêm nhiễm, giảm tái nhiễm, phục hồi thẩm mỹ vùng bị viêm, và chữa các bệnh lý rủi ro khác. Cách chữa bao gồm dùng thuốc, kem bôi, và phẫu thuật.

- Giảm cân là cách chữa trị mụn mọc ngược đầu tiên vì rất nhiều bệnh nhân sẽ tự giảm bệnh khi giảm cân

- Dùng thuốc bôi dạng trụ sinh thường có kết quả giới hạn do mụn mọc ngược (sâu) vào trong, do đó các bác sĩ thường sẽ kết hợp cả thuốc bôi và thuốc uống trụ sinh như clindamycin, rifampin and doxycycline. Ngoài ra, dùng thuốc giảm đau kháng viêm (như NSAID) để chữa đau nhức và viêm mủ.

- Isotretinoin (loại thuốc đặc tri mụn) cũng có thể dùng để điều trị mụn mọc ngược.

- Trong trường hợp bệnh nặng, dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch như Humira (Adalimumab) hay Rituxan, là loại thuốc chữa bệnh thấp khớp.

- Phẫu thuật dành cho các trường hợp bệnh mụn mọc ngược nặng và kháng thuốc. Các lựa chọn bao gồm cắt bỏ vùng sưng, tạo dẫn lưu cho mủ chảy ra ngoài, hay tái tạo vùng da bằng phẫu thuật tạo hình

- Laser CO2 gần đây được xem là trị liệu hứa hẹn khi dùng các tia nhiệt đốt bên dưới da, giảm viêm, và giảm khuẩn.

4. Các biến chứng của mụn mọc ngược

Bệnh mụn mọc ngược không chữa trị kịp thời sẽ dễ đến các biến chứng nguy hiểm như:

- Nhiễm trùng một vùng hay toàn thân.

- Sẹo lồi và sẹo lõm lâu dài.

- Khoảng năng vận động tay sẽ giảm do sẹo vùng nách.

- Mất thẩm mỹ, dẫn đến thiếu tự tin, và nhiều trường hợp trầm cảm.

- Các tuyến hạch bạch huyết bị viêm sưng, nghẽn, dẫn đến sưng phù nề tay chân.

5. Khi nào người mắc bệnh mọc ngược nên gặp bác sĩ

Các triệu chứng mụn mọc ngược nguy hiểm bệnh nhân cần gặp bác sĩ ngay, bao gồm:

- Đau nhức liên tục vùng mụt nhọt

- Mụn mủ không lành sau vài tuần hay mụn nhọt mọc lại sau vài tuần

- Mụn mọc nhiều nơi trên cơ thể và thường bị tái phát.

- Vùng da mụn nhọt sưng đỏ lan rộng ra

- Mụt nhọt sưng có mùi hôi khó chịu

- Có dấu hiệu sốt kèm theo các dấu hiệu trên

- Sưng cánh tay hay sưng hạch bạch huyết

Bệnh Mụn mọc ngược cần chẩn đoán chính xác, kịp thời và dùng thuốc đúng. Do đó khi xuất hiện mụn mọc ngược hay tình trạng mụn nhọt lâu lành, bệnh nhân cần gặp bác sĩ ngay để được điều trị sớm, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm