Có con gái năm nay vào đại học, chị Đỗ Thị Hoa (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) rất quan tâm đến các vấn đề tuyển sinh. Trước phương án tuyển thẳng thí sinh thi “Đường lên đỉnh Olympia” của trường ĐH Kinh tế quốc dân, chị Hoa tỏ ý đồng tình.
“Điều mà ai cũng dễ nhận thấy là học sinh tham gia sân chơi này đều học giỏi, tiêu biểu được trường lựa chọn kỹ càng. Những hạt nhân này xứng đáng được vào thẳng đại học. Tuy nhiên, vì là năm đầu nên sự tuyển chọn có thể sẽ vô tư. Nhưng từ các năm tới, tôi e là sân chơi này sẽ bị biến tướng”- chị Hoa phân tích.
Nhiều ý kiến đồng tình với việc tuyển thẳng thí sinh thi Olympia vào đại học |
Sự biến tướng theo lời phụ huynh này chính là nguy cơ tạo thành cuộc đua ngấm ngầm ở mỗi trường để săn một “tấm vé” vào đại học. Khi đó, cuộc thi sẽ không còn mang ý nghĩa như ban đầu và nếu không khéo sẽ còn bùng phát nhiều kiểu thi đấu trí tuệ tương tự để làm tiêu chí tuyển chọn thí sinh vào thẳng đại học.
Điều này được chị Phạm Mai, một người nghiên cứu nhiều năm về giáo dục, đồng tình. Theo chị, tuyển thẳng thí sinh tham gia thi Olympia vào đại học sẽ làm méo mó sân chơi này.
“Tôi nghĩ điều đó là không tránh khỏi nhưng chúng ta không thể cấm được các trường đưa ra tiêu chí tuyển thẳng. Bởi một khi đã trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH thì nên để các trường tự quyết định tiêu chí tuyển sinh hoặc tuyển thẳng”- theo chị Phạm Mai.
Chị phân tích thêm, việc đặt ra tiêu chí nào, ưu tiên đối tượng nào là quyền của mỗi trường và các trường có thể có các tiêu chí và các đối tượng ưu tiên khác nhau. Như vậy, trường A có thể chấp nhận tuyển thẳng các em thi đường lên đỉnh Olympia trong khi trường B thì không. Đó là quyền của họ khi họ được giao tự chủ.
Không chỉ vậy, trên thế giới, nhiều trường chọn cách tuyển thẳng một cầu thủ hay vận động viên nổi tiếng nào đó vào trường nhằm tạo danh tiếng cho trường đó và cũng là một cách để hút nhân tài.
Một số phụ huynh khác cho rằng, có thể tuyển chọn được thí sinh thi Olympia để vào thẳng đại học, nhưng nếu chỉ ở vòng thi tuần thì hơi dễ quá. Một mặt, trường nên siết các vòng thi cao hơn. Mặt khác, cần có cách thức hợp lý để đưa ra tiêu chí, tránh việc bị biến tướng khốc liệt sân chơi này cho các năm tới.
Anh Đặng Hữu Dân (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, hãy để cuộc thi này là một cuộc thi trí tuệ trong sáng đúng nghĩa và đừng nên gắn với các tiêu chí hay mục tiêu vào đại học. “Tỉ lệ tuyển thẳng thí sinh cũng chỉ 5 đến 10%, số lượng các cháu thi “Đường lên đỉnh Olympia” cũng không quá nhiều. Hơn nữa, ĐH Kinh tế quốc dân là trường thuộc tốp đầu, không khó để chọn lựa thí sinh giỏi đến mức phải cần đến cuộc thi này, do đó trường ĐH Kinh tế quốc dân nên xem xét lại”- anh Dân thẳng thắn bày tỏ.