Đừng gọi chúng tôi là “kẻ ăn bám” khi ở nhà chăm con

29/04/2017 - 17:35
“Người không đi làm, ở nhà chăm con chỉ là "kẻ ăn bám". Kẻ ăn bám có thể không cần ăn sáng, cơm mỗi bữa nếu ăn ít một chút cũng không sao, vì ở nhà thì có mệt như người đi làm đâu. Kẻ ăn bám không có việc gì để làm".

1. Những câu nói đó của mẹ chồng chị Hoàng Nga (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) với họ hàng, bà con hàng xóm mỗi lần ghé qua nhà chơi như xát muối vào lòng chị.

Không biết từ khi nào, chị cũng tự nhận mình cái danh “kẻ ăn bám”. Hàng ngày, chị phải thức trông con cho người đi làm ngủ sớm, phải giữ con cho người đi làm ăn cơm trước, phải làm tất tần tật việc nhà và phải đảm bảo cơm dẻo canh ngọt cho người đi làm về ăn. Chị Nga bức xúc kể: “Mỗi sáng tôi dậy, vệ sinh cho con, thay bỉm, nấu đồ ăn cho con. Tranh thủ chờ đồ ăn chín, thì tôi cho con uống vitamin, sau đó cho con ăn, rồi trông con chơi. Trong thời gian con chơi, tôi tranh thủ đặt nồi cơm, nấu đồ ăn cho gia đình, con mà quấy thì tay bế, tay nấu”.

pn-noi-tro2.jpg
 Vừa trông con, "kẻ ăn bám" còn phải lo đủ thứ việc nhà. Ảnh minh họa

Chị Nga cho biết, bé con nhà chị lúc nào cũng quấy khóc, kể cả chuyện cho con ăn uống mỗi ngày cũng tiêu tốn rất nhiều sức của chị, vì vừa cho ăn, vừa dỗ, vừa quát, vừa nịnh. Hôm nào con vui mà ăn hết bát cháo là ngày may mắn. Hôm nào con nhè ra đùn vào, nôn trớ thì thật xui xẻo. Dù là giấc ngủ đêm, hay chợp mắt buổi trưa, chị cứ rình con ngủ một lúc là phải cho con bú ti ngay, thành ra giấc ngủ của chị lúc nào cũng dở dang.

Chiều, con tỉnh dậy thì tranh thủ cho con tự chơi, “kẻ ăn bám” sẽ dọn nhà, rửa bát, nấu cháo sẵn cho con ăn bữa tối. “Kẻ ăn bám” sẽ phải nhớ đi chợ, nhà còn gì, hết gì, nay ăn gì, mai ăn gì. Thức ăn phải thay đổi nhưng nên đủ đạm và phải có tính chất tiết kiệm. Tối đến sau bữa cơm là khoảng thời gian hạnh phúc, “kẻ ăn bám” có thể được xem tivi và trông con, nhưng cũng có khi là tranh thủ làm việc nhà như dọn dẹp, chuẩn bị đồ ăn sáng cho ngày hôm sau, lau nhà giặt giũ, phơi đồ. 

Có khi xong việc cũng đã khuya, cũng có khi phải bỏ lại những việc cần làm vì con nhớ mẹ, cần mẹ ôm để ngủ. Nửa đêm, “kẻ ăn bám” phải dậy cho con bú ti vài lần, phải dỗ con ngủ, không được để con quấy khóc, ảnh hưởng giấc ngủ người khác trong nhà. Thế là hết 1 ngày thật dài...

pn-noi-tro1.png
 20 tiếng chiến đấu vì nghĩa vụ của những phụ nữ làm mẹ, mà không được ai trả lương

2. Từng là cán bộ Kho bạc Nhà nước, chỉ vì sinh non con đầu lòng, con yếu quá, chị nghe chồng và bố mẹ chồng ở nhà nội trợ chăm con. Vô hình chung tất cả những mẹ bỉm sữa chăm con như chị Nga bị coi là “kẻ ăn bám” đáng thương. Họ bị cho là không phải làm việc gì cả, đang sống bằng đồng tiền mồ hôi của người khác, nhưng có khi, kẻ ăn bám thật sự mệt mỏi.

Vì không phải lúc nào con cũng khỏe mạnh tươi vui, không phải lúc nào con cũng tự chơi, cũng ngoan. Con hay bày bừa, phá phách, con ăn, nôn trớ, có khi đi vệ sinh mọi nơi, con nghịch đủ mọi thứ. Khi người nhà đi làm về mà chưa thấy cơm ngon canh ngọt bày sẵn, chưa thấy nhà gọn gàng, lại hỏi: "Ở nhà làm cái gì mà còn chưa nấu?"...

Chị Hoàng Nga cho rằng: “Nếu so sánh việc ở nhà với đi làm, thì những người phụ nữ ở nhà chăm con, lương sẽ rất cao. Vì chúng tôi không làm 8 giờ mỗi ngày. Giờ hành chính của chúng tôi gần như 20 tiếng/ngày. 20 tiếng áp lực, la hét, mệt mỏi, cáu gắt. 20 tiếng quần quật mà không được ai trả lương. Nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng từng ngày. Đừng nghĩ chúng tôi là “kẻ ăn bám”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm