Nhiều cha mẹ có thói quen kiểm soát cuộc sống của con từng li từng tí, điều này không tốt cho trẻ. Ảnh minh họa internet. |
Con học môn năng khiếu nào, con học thêm ở đâu, con tham gia hoạt động nào ở trường, câu lạc bộ gì, thậm chí con chơi với ai… đều do cha mẹ quyết định. Tất nhiên, sau này lớn lên, con thi trường nào, con làm nghề gì, con kết hôn với ai… cũng phải do cha mẹ quyết. Rất nhiều cha mẹ đang sống hộ con theo cách này.
Chị Kẩm Nhung khẳng định, việc kiểm soát cuộc sống của con đồng nghĩa với việc cha mẹ tước đi của con cơ hội học những bài học quý giá nhất để thành công trong cuộc đời, bài học về cố gắng, thành công, thất bại, làm lại và tất cả những cảm xúc làm nên cá tính con người trong chặng đường đó.
Không chỉ kiểm soát, nhiều cha mẹ còn nói hộ con, không cho con nói chuyện trực tiếp với người khác. Nhà có điện thoại, khách đến nhà, bố mẹ cũng thường là người giao tiếp, con là người lắng nghe. Khi nào bố mẹ hỏi thì mới được nói. Đi ra ngoài đường cũng vậy. Bố mẹ cố gắng thể hiện những kỹ năng giao tiếp của mình, hy vọng con học hỏi nhưng lại không cho con cơ hội để luyện tập. Khi con nói câu gì thì bố mẹ sửa ngay, bắt con nói theo ý, theo kiểu của bố mẹ.
Có rất nhiều tình huống mà con phải tự giải quyết, cha mẹ không thể kè kè bên cạnh con suốt cả cuộc đời. Ảnh minh họa iinternet. |
Trong cuộc sống, con người phải trải qua vô vàn những tình huống và cần rất nhiều những ứng xử cũng như tự mình đưa ra những quyết định. Có thể là ứng xử khi bị bạn trêu chọc, bị cô giáo phê bình, làm cách nào để tìm được bạn tốt, làm thế nào để thể hiện tình cảm, thuyết phục đối tác… Bố mẹ không thể kè kè bên cạnh con để làm thay con mọi việc. Chỉ bằng cách để con va vấp, trải nghiệm thì con mới có kỹ năng giải quyết những chuyện này.
Điều quan trọng nhất là chỉ con mới biết điều gì khiến con hạnh phúc. Đó là khi con đươc sống với đúng sở thích và niềm đam mê của mình, là khi con cảm thấy thoải mái, không bị gò ép trong các mối quan hệ, là khi sự nỗ lực, cố gắng của con được đánh dấu bằng sự thành công, trưởng thành, chứ không phải đi trên con đường do cha mẹ định sẵn.
Chính vì vậy, bố mẹ cần tin vào con, hạn chế can thiệp, khuyến khích con tự đưa ra những quyết định liên quan đến con. Dù con có sai, có vấp ngã, cũng đừng lo lắng quá, bởi đó cũng chính là những trải nghiệm quý, giúp con trưởng thành hơn.