Dựng vở diễn thực cảnh tại Festival Ninh Bình - Tràng An năm 2023

PV
08/12/2023 - 15:34
Dựng vở diễn thực cảnh tại Festival Ninh Bình - Tràng An năm 2023

Non nước Tràng An sẽ trở thành sân khấu thực cảnh

Điểm nhấn của Festival Ninh Bình - Tràng An năm 2023 là chương trình khai mạc được dàn dựng như một vở diễn thực cảnh trong không gian của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.

Festival Ninh Bình - Tràng An năm 2023 với chủ đề Sắc màu di sản - Hội tụ và lan tỏa sẽ được tổ chức từ ngày 26 đến 31/12 tại TP Ninh Bình và huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Chia sẻ trong cuộc họp báo diễn ra vào sáng 8/12 tại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Ninh Bình - Phó trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Festival, cho biết: Đây là sự kiện văn hóa - du lịch mang tầm quốc gia, cũng là thương hiệu lễ hội riêng của tỉnh Ninh Bình nhằm đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa và tôn vinh các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Theo đó, Festival Ninh Bình - Tràng An năm 2023 dự kiến gồm 4 hoạt động trọng tâm đặc sắc thể hiện sự kết nối, hội tụ, lan tỏa sắc màu di sản văn hóa của tỉnh Ninh Bình nói riêng và các vùng, miền trong cả nước nói chung: Chương trình khai mạc Festival (20h ngày 26/12 tại khu Quần thể danh thắng Tràng An); Chương trình di sản văn hóa Nam Bộ (20h ngày 28/12 tại khu Quần thể danh thắng Tràng An); Chương trình di sản văn hóa Bắc Trung Bộ và giao lưu văn hóa Lào - Việt Nam (20h ngày 29/12/2023 tại Khu du lịch sinh thái Thung Nham); Chương trình bế mạc Rực lửa Cố đô - chào đón năm mới (22h30 ngày 31/12 tại khu Quần thể danh thắng Tràng An).

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, điểm nhấn của Festival Ninh Bình - Tràng An năm 2023 là chương trình khai mạc được dàn dựng công phu như một vở diễn thực cảnh đầu tiên được tổ chức trong không gian huyền ảo của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. "Các yếu tố của sông, núi, âm nhạc, ánh sáng, công nghệ trình chiếu mapping cùng nghệ thuật múa đương đại, những màn khinh công chạy trên nước, vẽ thư pháp bằng nghệ thuật múa… sẽ hòa quyện tạo thành một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp kể câu chuyện về lịch sử, văn hóa của vùng đất Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình và tinh hoa sắc màu văn hóa các vùng miền dọc theo chiều dài đất nước", ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết.

Tổng Đạo diễn Festival là NSƯT Thanh Hằng; Giám đốc âm nhạc: Nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Tiến; Đạo diễn sân khấu: NSƯT Thanh hiền. Tham gia biểu diễn là các nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ các vùng văn hóa đặc trưng trên cả nước và các đoàn nghệ thuật đến từ tỉnh Udomxay – Lào.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Cường, để chuẩn bị tốt cho Festival, tỉnh Ninh Bình đã tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực liên quan, đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cấp cơ sở vật chất; đảm bảo tốt tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mỗi hoạt động, sự kiện.

"Đặc biệt, hướng đến mục tiêu xã hội hóa công tác tổ chức lễ hội nên hầu hết các hoạt động trong chương trình Festival đều do các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ, phối hợp triển khai thực hiện và các hoạt động cũng được tổ chức theo hướng mở, tăng tính tương tác với cộng đồng để người dân và du khách có thể trực tiếp xem và tham gia vào các hoạt động của Festival", ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết thêm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm