pnvnonline@phunuvietnam.vn
Được bố mẹ mua nhà, gửi thức ăn từ quê, vợ chồng trẻ vẫn rủ nhau sống tiết kiệm
Ảnh minh họa
Phân chia các khoản chi cụ thể, tiêu khoảng 15 triệu đồng/tháng
Phương Anh (27 tuổi, kế toán) đang sống cùng chồng tại Hà Nội. Được biết trước khi kết hôn, vợ chồng Phương Anh được bố mẹ hỗ trợ mua nhà. “Vợ chồng mình cảm thấy rất biết ơn và may mắn vì đã nhận được sự hỗ trợ gia đình. Nhờ đó, tụi mình giảm gánh nặng kinh tế, tập trung xây dựng tương lai. Sở hữu nhà giúp tụi mình có thể đầu tư toàn bộ nguồn lực vào những mục tiêu khác”.
Hiện nay, vợ chồng Phương Anh có khoản chi tiêu cố định 12-15 triệu/tháng. Gia đình cô chi 5 triệu/tháng cho ăn uống, trong đó thực phẩm sạch được 2 gia đình nội ngoại gửi từ quê. Tiền nhà bao gồm điện, nước, dịch vụ khoảng 2,5 triệu. Các khoản sinh hoạt khác như mua sắm quần áo, đồ đạc, giải trí 3-5 triệu, xăng xe 1 triệu, chi phí phát sinh khác 2-3 triệu đồng.
Ngoài những khoản chi tiêu cố định, hàng tháng vợ chồng cô sắm dần dần các thiết bị điện tử trong nhà, được sắp xếp phân bổ theo nhu cầu và mức độ cần thiết. Hiện nay, trung bình mỗi tháng gia đình cô tiết kiệm được khoảng 15% trên thu nhập.
“Thu nhập của mình dùng để chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Còn thu nhập của chồng sẽ để tiết kiệm và cho những khoản chi lớn chẳng hạn như mua sắm đồ dùng trong nhà. Thực ra áp lực kinh tế của nhà mình không nhiều. Hơn thế nữa, vợ chồng mình luôn có quan điểm là phải hài lòng với những thứ bản thân đang có vì cuộc sống không biết bao nhiêu là đủ. Tuy nhiên cũng không vì thế mà vợ chồng mình ngừng cố gắng. Tụi mình luôn luôn nỗ lực làm việc chăm chỉ để có cuộc sống trọn vẹn hơn".
Bên cạnh đó, theo Phương Anh, nỗ lực tăng thu nhập hay cố gắng tiết kiệm đều quan trọng. Ban đầu, cô chỉ tập trung tích lũy cho quỹ tiết kiệm dự phòng. Để đạt điều này, cô đã thiết lập kế hoạch ngân sách hàng tháng và cắt giảm những khoản chi không cần thiết, như ăn ngoài hay mua sắm không kiểm soát. Khi có quỹ dự phòng đủ lớn, gia đình Phương Anh cảm thấy tự tin và an tâm hơn.
Tuy nhiên, sau một thời gian, cô nhận ra rằng chỉ dựa vào tiết kiệm là không đủ để đạt được những mục tiêu lớn hơn trong cuộc sống. Do vậy vợ chồng cô đã cố gắng có thêm nguồn thu nhập mới là làm nội dung trên MXH, đồng thời làm việc chăm chỉ để thăng tiến trong công việc hiện tại. “Mình nhận thấy rằng kết hợp hai yếu tố này mới là cách hiệu quả nhất để kiểm soát tài chính gia đình. Tiết kiệm giúp giữ vững sự ổn định trong cuộc sống hàng ngày, giảm thiểu rủi ro và tạo nền tảng tài chính vững chắc. Trong khi đó, tăng thu nhập mở ra nhiều cơ hội mới, nâng cao chất lượng cuộc sống và thực hiện những mục tiêu lớn hơn, chẳng hạn như mua xe, du lịch, hay chuẩn bị cho tương lai”.
Những điều cần lưu ý để tiết kiệm hiệu quả hơn
Trong quá trình nỗ lực tiết kiệm, Phương Anh đã rút ra được một số điều mà mọi người nên chú ý để có thể tích lũy được nhiều tiền hơn:
- Lập ngân sách: Xây dựng kế hoạch ngân sách hàng tháng và tuân thủ nó. Ví dụ 50% dành cho các chi phí cố định (ăn uống, điện nước xăng xe, phí sinh hoạt), 30% cho các chi phí khác (hiếu hỉ, du lịch, mua sắm), 20% tiết kiệm.
- Tiết kiệm điện nước: Tắt đèn khi không sử dụng, sử dụng đèn LED tiết kiệm năng lượng, tắt thiết bị điện khi không dùng.
- Mua sắm thông minh: So sánh giá và chất lượng trước khi mua hàng. Sử dụng các ưu đãi, giảm giá, hoặc thẻ thành viên để nhận được giá tốt hơn. Đối với những sản phẩm giá trị vừa phải (dưới 500 nghìn) và không độc quyền, Phương Anh thường nghiên cứu các cửa hàng khác nhau để so sánh về giá và chất lượng hoặc phương thức vận chuyển sao cho tối ưu chi phí nhất. Còn những sản phẩm giá trị cao hơn, cô sẽ xem xét kỹ hơn về nguồn gốc, chất lượng, bảo hành, uy tín của bên bán sau đó mới đến bước so sánh giá.
- Tự chuẩn bị thức ăn: Nấu ăn tại nhà sạch sẽ, an toàn hơn so với đi ăn ngoài. Đó cũng là điều kiện tốt để đảm bảo cho sức khỏe - một khoản tiết kiệm dài hạn, vô giá.
- Tìm các khoản chi tiêu không cần thiết: “Ngày xưa, thời còn chưa lấy chồng mình luôn có thắc mắc là sao tiền cứ hết lúc nào không biết. Sau đó mình đã tìm ra lý do bằng cách sau khi chi tiêu gì là sẽ ghi chép lại, cuối tháng mình sẽ nhận ra trong tháng đã chi cho những khoản nào không cần thiết và có phương pháp, kế hoạch cho việc chi tiêu tháng tới”.
- Tiết kiệm cho mục tiêu lớn hơn: Sau khi kết hôn, cuộc sống chắc chắn không thể chỉ xoay quanh bản thân mình được, nên vợ chồng Phương Anh đặt ra kế hoạch để cả hai cùng phấn đấu và tiết kiệm. Chẳng hạn, cố gắng quan tâm, chăm sóc gia đình hai bên, đưa bố mẹ đi chơi nhiều nơi hơn. Trước 30 tuổi có thêm tài sản lớn và tất nhiên điều không thể thiếu là sẵn sàng kinh tế để đón một em bé trong tương lai.