pnvnonline@phunuvietnam.vn
Emma Phạm: Eat clean là sự cân bằng dinh dưỡng, giúp tăng cường miễn dịch
Eat clean - ăn “sạch” xuất hiện từ những năm 1960 với ý nghĩa: “Hãy ăn thức ăn dưới dạng nguyên thủy nhất của nó”. Theo nhiều tài liệu, chế độ ăn này bắt nguồn từ châu Âu và được du nhập vào Việt Nam mới vài năm gần đây. Tuy nhiên, với những hiệu quả mang lại về sức khỏe, chế độ ăn này nhanh chóng được nhiều người áp dụng.
Đây là một chế độ ăn dựa trên 8 nguyên tắc: ăn sạch, ăn tươi, thực phẩm hữu cơ, hiểu rõ thành phần, ưu tiên rau củ, nấu ăn tại nhà, từ bỏ chất tạo ngọt, chọn thực đơn phù hợp với nhu cầu và sở thích.
Liên quan đến Eat clean có rất nhiều câu hỏi được đặt ra, nguyên tắc cơ bản của chế độ ăn này là gì? Eat clean có phải chế độ ăn kiêng không? Hay nếu áp dụng Eat clean trong một thời gian dài có ảnh hưởng đến sức khỏe không?
Huấn luyện viên dinh dưỡng Emma Phạm, người sáng lập “Cộng đồng Eat Clean and Healthy” - cộng đồng ăn sạch và sống khỏe lớn nhất Việt Nam với hơn 330.000 thành viên đã có những chia sẻ, giải đáp về những thắc mắc này.
1. Eat Clean có phải là chế độ ăn kiêng?
Phát triển sớm tại châu Âu, nhưng đến năm 2017, chế độ Eat clean mới du nhập vào Việt Nam.
Theo huấn luyện viên dinh dưỡng Emma Phạm, Eat clean không phải là phương pháp hay chế độ ăn kiêng mà là ăn các thực phẩm ít qua chế biến, đồng thời lựa chọn các thực phẩm tươi và đa dạng. Không ăn các thực phẩm chứa chất bảo quản (lượng muối cao) và chất béo không tốt cho cơ thể; đồng thời không uống những đồ uống có ga, nước tăng lực, nước ngọt.
Ngược lại, ăn kiêng là một chế độ ăn khá khắt khe, bạn phải tuân thủ theo một nguyên tắc riêng và bị giới hạn ở một số nhóm thực phẩm nhất định. Người ăn kiêng thường ăn theo khung giờ cố định và tránh một số loại thực phẩm. Ví dụ, người mắc bệnh tim cần tránh thực phẩm có nồng độ cholesterol cao như xúc xích hay khoai tây chiên, tránh ăn quá nhiều trứng ốp lết. Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh suy thận, thì lại phải kiêng một vài loại hoa quả như chuối, chanh, kiwi, kiêng protein như pho mát, đậu tương, khoai tây và cần ăn nhạt.
Chế độ Eat clean hướng đến các loại thực phẩm sạch, không hóa chất và không gây dư thừa đường, chất béo như: các loại gạo nguyên cám, gạo lứt, yến mạch, hạt quinoa, rau xanh,... Đồng thời hạn chế thực phẩm đã qua chế biến, thực phẩm đóng hộp,… nhằm đảm bảo nguồn thức ăn đưa vào cơ thể mỗi ngày phải sạch và an toàn.
Bên cạnh đó, chế độ này còn yêu cầu tránh ăn thực phẩm được nấu quá kỹ bởi quá trình chế biến lâu có thể sẽ làm thức ăn biến đổi. Đặc biệt nếu xào, nấu cho thêm nhiều dầu mỡ, gia vị có thể vô tình nạp thêm năng lượng không cần thiết.
Vì thế, khi ăn Eat clean cơ thể vẫn được cung cấp đầy đủ năng lượng nhưng song song đó, lượng độc tố, chất béo không cần thiết từ thực phẩm cũng sẽ được cắt giảm tối đa, giúp cơ thể khỏe mạnh.
Trong chế độ Eat Clean mỗi khẩu phần ăn đều có đủ 2 thành phần dinh dưỡng chính là Macro và Micro. Macro là tinh bột, chất đạm, chất béo. Micro bao gồm Vitamin và khoáng chất. Nếu có đủ hai thành phần dinh dưỡng này trong bữa ăn hằng ngày, chúng ta sẽ có sức khỏe và sức đề kháng tốt.
Thực hành chế độ ăn Eat clean sẽ mang lại nhiều lợi ích về mặt sức khỏe. Đặc biệt là đối với chị em phụ nữ muốn giảm cân, người mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp cao, ung thư, máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ,...
2. Khi nào bạn cần áp dụng chế độ Eat clean?
Eat clean là một chế độ ăn khoa học, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và phù hợp với tất cả mọi người. Tuy nhiên, nếu cơ thể bạn nhiễm độc tố, tăng cân, sức đề kháng kém, bạn cần sớm thực hiện chế độ ăn Eat clean - ăn “sạch” để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Cơ thể nhiễm độc tố
Độc tố có thể tồn tại ngay xung quanh chúng ta, trong không khí, nước uống và thực phẩm sử dụng hàng ngày. Các độc tố tích tụ trong cơ thể, nếu không được sớm thanh lọc ra ngoài, sẽ tiến triển thành bệnh nặng, thậm chí là ung thư.
Những dấu hiệu sau đây cho thấy cơ thể bạn đang nhiễm độc tố:
- Cơ thể nặng nề, mệt mỏi mỗi khi thức dậy.
- Thường xuyên cảm cúm, suy giảm miễn dịch tự nhiên.
- Ruột thường xuyên kích ứng, tiêu hóa kém, đầy bụng, chướng.
- Da kích ứng, nổi mụn.
- Stress, mất ngủ
Phương pháp Eat clean sử dụng các loại thực phẩm sạch, không hóa chất và không gây dư thừa đường, chất béo, là một trong những cách thanh lọc cơ thể tốt nhất.
Tăng cân sau sinh, sức đề kháng kém
Sau khi sinh con, nhiều người phụ nữ gặp phải tình trạng tăng cân và sức khỏe giảm sút nhanh chóng. Giai đoạn này phụ nữ cần chú ý chăm sóc để hồi phục sức khỏe. Chế độ Eat clean ưu tiên thực phẩm sạch, chế biến tối giản và ăn đủ nhóm chất theo khoa học rất phù hợp để chị em phụ nữ vừa hồi phục sức khỏe, vừa giảm cân.
Gợi ý thực đơn Eat clean giúp giảm cân và tăng cường sức đề kháng
- Uống đủ nước trong ngày: khoảng 1,5 -2 lít, đặc biệt uống một ly nước ấm ngay sau khi ngủ dậy.
Bữa sáng giàu dinh dưỡng: có thể lựa chọn yến mạch, sinh tố xanh, bánh mì trứng, hoặc khoai lang và hạt.
Bữa trưa: Salad giàu protein với các loại rau củ.
Bữa tối: Cơm gạo lứt , rau và thịt hoặc cá.
Bữa phụ: hoa quả ít đường, sinh tố hoặc các loại hạt.
Nhìn chung, Eat clean là một chế độ ăn uống tốt mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và giúp hạn chế chế độc tố và phòng tránh bệnh tật. Đã có rất nhiều người phụ nữ áp dụng chế độ Eat clean và giảm được số cân nặng mong muốn. Bên cạnh đó, nhiều người mang bệnh gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, tiểu đường,.. cũng áp dụng phương pháp này và họ cải thiện được sức khỏe.
“Do đó, mọi người nên thực hiện chế độ Eat clean nhiều hơn để biến Eat clean trở thành một thói quen ăn uống tốt cho sức khỏe”, Huấn luyện viên dinh dưỡng Emma Phạm khuyến cáo.