Gác lại đám cưới trong mơ cùng váy trắng tinh khôi

Lê Hoa
22/08/2021 - 05:24
Gác lại đám cưới trong mơ cùng váy trắng tinh khôi

Ảnh minh họa

Cưới online, hoãn cưới và rồi chẳng “đợi mai cưới” nữa, đăng ký kết hôn xong là về sống với nhau. Covid-19 đã làm đảo lộn kế hoạch về một “đám cưới trong mơ” của nhiều cặp đôi nhưng ở một khía cạnh tích cực nào đó, nó khiến người ta nhận ra rõ hơn chân giá trị của đám cưới.

Cô dâu… không váy cưới

Quan niệm "cả đời chỉ cưới có một lần" nên L.D. Hương (Hà Nội) từng rất háo hức, chờ đợi một "đám cưới trong mơ" của mình. Quyết định đi đến hôn nhân, Hương và chồng sắp cưới của cô dự kiến tổ chức đám cưới vào tháng 4/2020. Nhưng dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả. Đám cưới buộc phải hoãn lại. 

Dù có chút hụt hẫng nhưng gia đình hai bên và cả đôi trẻ đều tự an ủi: Chưa cưới thời điểm này thì sẽ cưới thời điểm khác, tất cả vì sức khỏe cộng đồng. Sau khi đăng ký kết hôn, vợ chồng Hương vẫn chưa chính thức về sống chung một nhà vì muốn chờ một đám cưới đủ nghi lễ. Nhưng dịch cứ hết đợt này đến đợt khác, gia đình hai bên chưa kịp chuẩn bị cho đám cưới đã phải dừng lại.

Ta về với nhau! - Ảnh 1.

Hồi hộp, hụt hẫng, mệt mỏi vì chờ đợi và cuộc sống "một chốn đôi nơi", sau nhiều lần bàn bạc, tháng 3/2021, Hương và chồng cô chính chức về sống chung một nhà và quyết định không tổ chức đám cưới nữa. "Nhiều lúc nghĩ cũng có buồn đôi chút. Cô dâu nào không ước ao có một đám cưới trong mơ. Dù chưa có điều kiện tổ chức đám cưới lãng mạn trên bãi biển hay trong khách sạn cao cấp nhưng mình đã luôn tưởng tượng đến khoảnh khắc được mặc chiếc váy cưới trắng tinh khôi, cùng nắm tay chú rể rót rượu champagne, cắt bánh cưới và nghe những lời chúc phúc của người thân, bạn bè… 

Vợ chồng mình còn đùa nhau, bọn mình thiệt thòi quá, vì không được thực hiện điều mà cặp đôi nào cũng muốn làm trong đêm tân hôn, đó là… mở phong bao tiền mừng cưới. Vì bọn mình có tổ chức đám cưới đâu, nên ai thân thiết lắm mới gửi quà tặng cô dâu, chú rể. Dẫu vậy, mình luôn nghĩ, dịch dã như thế này, có tổ chức đám cưới hay không, không quan trọng. Điều quan trọng nhất là mình được ở cạnh những người yêu thương, được yên ổn cuộc sống và cùng nhau mạnh khỏe, hạnh phúc vượt qua mùa dịch", Hương chia sẻ.

Cũng như Hương, nhiều cặp đôi khác đã không còn chần chừ, "đợi mai cưới" khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, mà quyết định về sống chung, không cần tổ chức đám cưới. Dịch bệnh không chỉ làm thay đổi quan niệm về chuyện cưới hỏi của những người trong cuộc mà còn thay đổi cả ngành dịch vụ cưới.

Từ dịch vụ trọn gói đến chia nhỏ công đoạn

Chị Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc điều hành Ảnh viện Áo cưới Vivian (282 Xã Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội), cho biết, nếu trước đây, khách hàng thường đăng ký và sử dụng dịch vụ trọn gói thì bây giờ có xu hướng chia nhỏ công đoạn để thích nghi với điều kiện liên tục thay đổi do dịch bệnh. Khách hàng có thể chụp ảnh trước dù chưa có ngày cưới. Còn công đoạn cưới hỏi, trang phục thì bất kể lúc nào khách hàng cần dùng là bên cung cấp dịch vụ đáp ứng luôn. Khách hàng được bảo lưu thời gian dịch vụ tối thiểu là 2 năm. "Dịch bệnh khiến doanh thu bị giảm sút mạnh là điều không tránh khỏi. Chúng tôi đã phải cắt giảm nhân sự nhưng đến nay vẫn rất lao đao", chị Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.

Ta về với nhau! - Ảnh 2.

Một nhà cung cấp dịch vụ cưới khác, anh Phạm Hà, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Lux Group, không khỏi "đau đầu" trước những tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn. Sở hữu một hệ sinh thái với các dịch vụ trọn gói gồm: dịch vụ du lịch, xe vận chuyển, du thuyền với các tour trải nghiệm trên biển Nha Trang, Hạ Long, Cát Bà… Lux Group cung cấp dịch vụ cưới trên du thuyền. Đây là dịch vụ đắt khách trong vài năm trở lại đây. Nhưng dịch bệnh kéo dài, hết đợt dịch này đến đợt dịch khác khiến đội xe phải nằm yên trong bãi, du thuyền không thể ra khơi. Mọi đơn dịch vụ phải hoãn, hủy.

Không chỉ dịch vụ có quy mô, những người chuyên phục vụ nấu cỗ tại nhà như chị Nguyễn Thanh Trà (quận Long Biên, Hà Nội) cũng lao đao vì dịch bệnh. "Nhóm chúng tôi có 10 thành viên làm cố định và khoảng 20 người làm bán thời gian, chuyên nấu cỗ cho các đám ăn hỏi, đám cưới, tiệc gia đình. Vào mùa cưới, ngày cao điểm, chúng tôi chia nhau phục vụ 4-5 đám cỗ cưới. Khách hàng phải hẹn đặt trước cả tháng để xếp lịch. Nhưng hiện tại, chúng tôi không có việc làm, phải chuyển sang các công việc khác như: Đi dọn nhà, nấu đồ ăn bán online… để có đồng ra đồng vào trong mùa dịch", chị Trà cho biết.

Ảnh minh họa, không phải nhân vật thật

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm