Gần 2.000 trẻ chết vì tai nạn giao thông, một phần do lỗi này của người lớn

04/10/2018 - 19:21
Tuy số vụ và người chết, bị ảnh hưởng do tai nạn giao thông ở người lớn liên tục giảm trong nhưng năm gần đây nhưng tỷ lệ trẻ em bị tai nạn giao thông và thương vong do tai nạn giao thông không hề giảm, thậm chí còn tăng.

Đó là chia sẻ của ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia. Theo ông Hùng, mỗi năm trên thế giới có trên 350.000 trẻ tử vong do tai nạn giao thông (TNGT). Tại Việt Nam, con số này là gần 2.000 trẻ mỗi năm.

anh-tngt1.jpg
Không đội mũ bảo hiểm khi trẻ tham gia giao thông bằng xe máy là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thương vong ở trẻ khi xảy ra tai nạn giao thông

 

Thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, tại Hà Nội, tỷ lệ thiệt mạng do tai nạn, trong đó có TNGT của học sinh cấp trung học phổ thông tại Hà Nội ở mức 7,39/100.000 học sinh. Con số này cao hơn nhiều so với một số nước trong khu vực châu Á (cao gấp 1,25 lần so với Campuchia; 2,73 lần Nhật Bản và 1,84 lần Hàn Quốc). 

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của các bộ, ngành, đoàn thể, trong đó có vai trọng quan trọng của phụ nữ, từ năm 2010 trở lại đây, TNGT giảm liên tục ở cả 3 tiêu chí, cả số vụ, số người bị chết và bị thương.

Thời gian qua, Ủy ban ATGT Quốc gia, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội để giảm tai nạn thương tích cho trẻ em nói chung và TNGT nói riêng. Ủy ban ATGT Quốc gia cũng phối hợp với TƯ Hội LHPN thực hiện 1 số hoạt động để tuyên truyền về hậu quả của TNGT, hạn chế TNGT, như thực hiện vận động đã uống rượu, bia thì không lái xe.

“Trước đây, mỗi năm có trên 12.000 người chết vì TNGT. Đến 2017, con số này còn 8.279 người”, ông Khuất Việt Hùng cho biết. Tuy số vụ và người chết, bị ảnh hưởng do TNGT ở người lớn giảm nhưng tỷ lệ trẻ em bị TNGT và thương vong do TNGT không hề giảm, thậm chí còn tăng.

anh-tngt2.jpg
Nhiều trẻ tham gia giao thông bằng xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm

 

Vì vậy, năm 2018, Ủy ban ATGT Quốc gia đã quyết định chọn là “Năm ATGT cho trẻ em”, lấy trẻ em làm trung tâm bảo vệ và tuyên truyền kiến thức về ATGT, TNGT, từ đó tạo sức lan tỏa đến từng người thân và cộng đồng chung quanh, để vấn nạn giao thông phải được ý thức đến tế bào nhỏ của xã hội. Năm 2018, phấn đấu giảm TNGT ở cả 3 tiêu chí từ 5-10%, riêng thương vong với trẻ em do TNGT giảm dưới 10%.

9 tháng đầu năm 2018, TNGT giảm ở cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên số người chết do TNGT chưa giảm sâu, mới giảm được 113 người chết do với cùng kỳ năm 2017. TNGT gây thương vong cho trẻ em có giảm 5% so với cùng kỳ, trong khi số thương vong ở người lớn do TNGT giảm chỉ trên 1%.

Khoảng tối trong bức tranh sáng màu về thực hiện đội mũ bảo hiểm

Thực tế trong cuộc sống của trẻ, người mẹ có vai trong rất quan trọng. Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng trong số những người đưa trẻ đi học, đi chơi thì đa phần là phụ nữ; trong số những người mua mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm cho trẻ, cũng chủ yếu là người mẹ.

anh-tngt.jpg
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng tặng và đội mũ bảo hiểm cho học sinh

 

Theo ông Khuất Việt Hùng, hiện pháp luật đã quy định, trẻ trên 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy, xem đạp điện. Đây là quy định rất hợp lý, nhằm giảm tỷ lệ thương vong ở trẻ nếu không may xảy ra TNGT. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban ATTG Quốc gia thì tỷ lệ trẻ tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm hiện chỉ đạt 30%. Đây chính là điểm tối trong bức tranh sáng màu về việc thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm ở Việt Nam.

“Khi nhắc đến thành tựu về ATTG ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới đánh giá cao về việc thực hiện tốt quy định về đội mũ bảo hiểm nói chung nhưng đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trên 6 tuổi vẫn chưa được thực hiện đầy đủ”, ông Hùng cho biết.

Người lớn cần làm gương

Có nhiều nguyên nhân khiến số trẻ tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm thấp nhưng nguyên nhân đầu tiên thuộc về người lớn. Nhiều bậc làm cha, làm mẹ không nêu gương trong đội mũ bảo hiểm. Nếu cha mẹ cho rằng, việc đội mũ bảo hiểm là đương nhiên phải thực hiện, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ý thức của trẻ em, giống như không được sờ tay vào điện. Còn nếu cha mẹ thấy rằng, việc đội mũ bảo hiểm là đối phó thì tâm lý sẽ truyền lại cho trẻ.

anh-tngt3.jpg
Cha mẹ hãy đội mũi bảo hiểm cho trẻ khi bé tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy

 

Ngoài ra, dường như nhiều cha mẹ quên mất rằng, con mình cần phải được đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy… và cần bảo vệ con bằng cách này.

“Người ta sẵn sàng bỏ ra cả triệu đồng để mua một đôi giày cho con đi thể thao vì sợ con đau chân; bỏ vài trăm nghìn mua 1 cái ốp điện thoại di động cho trẻ nhưng 1 cái mũ bảo hiểm để bảo vệ đầu thì thường bị bỏ quên, trong khi 1 chiếc mũ bảo hiểm chỉ vài trăm nghìn đồng. Trong khi đó, nếu có xước chân thì thường không hiểm, còn nếu không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông mà xảy ra tai nạn thì trẻ có thể tử vong”, ông Hùng bức xúc.

Bên cạnh đó, còn có cả nguyên nhân về việc chưa xử lý nghiêm khi người lớn chở bằng xe máy… mà không đội mũ bảo hiểm cho trẻ. Do đó, các bậc cha mẹ cần thực hiện nghiêm việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi trẻ tham gia giao thông bằng xe mô tô, gắn máy. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường xử lý trường hợp vi phạm liên quan đến quy định này, để hạn chế thương vong khi trẻ bị TNGT.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm