Gần 300 giáo viên ở Sóc Sơn trước nguy cơ mất việc: Hàng trăm cái lý cũng cần có một tý tình

28/03/2019 - 11:27
5 năm, 10 năm, 20 năm thậm chí là 26, 27 năm… đó là số năm cống hiến, gắn bó với nền giáo dục Sóc Sơn của 256 thầy cô giáo. Gắn bó cả thanh xuân với ngôi trường, với học sinh với bao thành tích đáng nể, thế nhưng giờ 256 giáo viên ấy đang đứng trước nguy cơ phải…ra đường.

Hoang mang, tuyệt vọng

Ngôi nhà nhỏ nằm hút sâu trong ngõ là của một nữ giáo viên đơn thân, một mình nuôi 2 con nhỏ ăn học, đó cũng là nơi mà nhóm PV PNVN gặp gỡ, lắng nghe những chia sẻ của hàng trăm giáo viên trung học cơ sở, tiểu học ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) chia sẻ.

Những ánh mắt lo âu, những gương mặt thất thần, những nỗi buồn trĩu nặng và theo đó là câu chuyện dài đằng đẵng hàng chục năm qua cứ tái hiện qua lời kể của hàng trăm giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn.

2.jpg
Gương mặt tuyệt vọng của các nữ giáo viên khi biết tin có nguy cơ mất việc.

 Họ là 256 giáo viên THCS, TH đang trong diện hợp đồng với UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) với số năm công tác từ 5- 27 năm. Trong số hơn 256 giáo viên hợp đồng ấy, nhiều người hiện là tổ trưởng, tổ phó các tổ chuyên môn, nhiều giáo viên đạt thành tích cao trong các kỳ thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp thành phố. Thế nhưng, suốt bao nhiêu năm họ vẫn đứng ngoài biên chế của ngành.

Thầy giáo Bùi Văn Chính, người có 9 năm công tác trong diện hợp đồng của trường THCS Đông Xuân cho biết, suốt nhiều tháng qua, 256 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn trải qua hết các cung bậc cảm xúc.

Ngày 21/01/2019 ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn ký văn bản số 146/UBND - NV v/v đăng ký nhu cầu tuyển viên chức đặc biệt đối với giáo viên đã hợp đồng từ 05 năm trở lên gửi về các trường trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Trên cơ sở rà soát nhu cầu của các nhà trường, UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản đề xuất gửi UBND Thành phố Hà Nội về việc xét tuyển đặc cách đối với giáo viên dạy hợp đồng từ 05 năm trở lên. Lúc này, những tưởng niềm vui sẽ đến với hàng trăm giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn sau mấy chục năm gắn bó với giáo dục huyện nhà. “Khi nhận được thông tin này, chúng tôi vui lắm. Lúc này tâm thế của chúng tôi như được bước sang một trang mới; chúng tôi sẽ yên tâm công tác, cống hiến trí tuệ và công sức của mình cho sự nghiệp giáo dục của huyện nhà”, một nữ giáo viên chia sẻ.

Thế nhưng, đến ngày 07/03/2019 ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ký quyết định số 1076/QĐ - UBND phê duyệt chỉ tiêu tuyển viên chức giáo dục Thành phố Hà Nội, trong đó có huyện Sóc Sơn. Quyết định chuyển từ xét tuyển sang thi tuyển viên chức như một gáo nước lạnh dội lên đầu 256 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn. Khiến họ mất ăn mất ngủ suốt nhiều ngày qua bởi dù chưa thi nhưng hầu hết số giáo viên đó đều không tin là mình sẽ đỗ. Và nếu thi trượt thì cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ phải… ra đường.

soc-son-3.jpg
Nhìn danh sách hàng trăm giáo viên hợp đồng, trong đó có những người gắn bó tới 26 - 27 với nghề, nay đứng trước nguy cơ mất việc mà không khỏi xót xa.

 Trước tâm tư, nguyện vọng của hàng trăm giáo viên đã gắn bó hàng chục năm qua với huyện, ông Lê Hữu Mạnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn phân trần, việc này không thuộc thẩm quyền của huyện. Huyện cũng đã có ý kiến, đề xuất với UBND thành phố để xem xét đối với những giáo viên hợp đồng ở huyện.

Tuy nhiên, ông Mạnh cũng động viên các thầy cô cố gắng thi tuyển. “Nếu thi không đỗ hoặc không thi thì cắt hợp đồng vì theo luật viên chức không còn chế độ hợp đồng. Chúng tôi nhận sai vì trước đây chúng tôi không cắt hợp đồng các đồng chí. Còn bây giờ nếu tôi bị kỷ luật, bị đuổi việc để các thầy cô được xét đặc cách vào viên chức, tôi sẵn sàng chấp nhận”, ông Lê Hữu Mạnh chia sẻ với giáo viên.

Những thay đổi này đã khiến gần 300 giáo viên và kéo theo đó là ngần ấy gia đình đang đứng trước nguy cơ mất việc, mất thu nhập. Trong số đó, có rất nhiều nữ giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có người còn đang phải ở nhà chính sách, nhà bán trú, một mình nuôi 2 con ăn học. Thế nên, trước “trận đánh” mà họ nắm chắc phần thua về mình, các giáo viên hợp đồng này đang như ngồi trên đống lửa.

Cuộc chạy đua không công bằng

Khi chia sẻ với chúng tôi, hàng trăm giáo viên hợp đồng của huyện Sóc Sơn đều cho rằng, việc thi tuyển viên chức là hợp lý tuy nhiên trong trường hợp ở huyện Sóc Sơn thì lại không hợp tình. Kỳ thi tưởng chừng là cách công bằng nhất để tuyển lựa lực lượng giáo viên vào viên chức, nhưng thực tế thì lại là cuộc chạy đua không công bằng – ít nhất là ở huyện Sóc Sơn.

Cô giáo Lê Thị Thu Nguyệt – người đã có 26 năm làm giáo viên hợp đồng tại trường THCS Minh Phú cho rằng, kỳ thi là sự bất công với những giáo viên nhiều tuổi, gắn bó lâu năm. Bởi lẽ, họ là những người được đào tạo từ những năm 90 của thế kỷ trước, thời điểm này việc đào nghiệp vụ là chính, còn ngoại ngữ chưa được chú trọng, thậm chí thời điểm đó như cô Nguyệt lại học tiếng Pháp thì rõ ràng giờ đây để những giáo viên như cô Nguyệt thi cùng với các ứng viên trẻ, vừa tốt nghiệp thì sẽ không công bằng. “Những người như chúng tôi thi cùng với các cháu mới ra trường thì rõ ràng sẽ tạo ra một cuộc chạy đua không cân sức giữa hai thế hệ. Cái chúng tôi có là sự say mê, tâm huyết, kinh nghiệm nhưng không thể mang ra để hoàn thành yêu cầu của cuộc thi viên chức lần này”, cô Nguyệt đau xót kể.

1.jpg
Các thầy cô giáo chia sẻ nỗi niềm, tâm tư với PV PNVN.

 Trong số những giáo viên hợp đồng mà chúng tôi gặp gỡ, có rất nhiều người là giáo viên giỏi cấp huyện, có người vừa đi thi giáo viên giỏi cấp thành phố về. Thế nhưng, khi nhắc đến thi tuyển họ đều rùng mình. Bởi chính những người này họ đã từng tham dự thi tuyển viên chức và đều… trượt mà không hiểu nguyên nhân vì sao. Mặc dù về chuyên môn, nghiệp vụ họ lại đang ở Top đầu của giáo viên huyện Sóc Sơn.

Cô Nguyễn Thị Minh Phương, giáo viên Ngữ văn trường THCS Đông Xuân, người có 23 năm làm giáo viên hợp đồng chia sẻ, nếu các giáo viên chỉ làm hợp đồng 1, 2 năm thì họ có thể chấp nhận thi hoặc bỏ nghề. Nhưng ở đây toàn những giáo viên gắn bó hàng chục năm, gắn bó cả tuổi thanh xuân với vùng đất khó khăn bậc nhất Hà Nội. Lúc cần thì giữ người ta bằng được, lúc không cần thì lại sẵn sàng gạt ra.

“Bắt những giáo viên gắn bó hàng chục năm, sắp đến tuổi về hưu quay lại thi tuyển viên chức vào ngành thì quá bất công. Nếu chúng ta liên tưởng sự nghiệp giáo dục là một con đèo, chúng tôi đã leo từ chân đèo đến gần đỉnh thì giờ đây UBND thành phố và UBND huyện lại yêu cầu chúng tôi trở lại xếp hàng chạy đua cùng các cháu từ dưới chân đèo”, cô giáo Lê Thị Thu Nguyệt chua xót nói.

Vâng, bắt những con người ở độ tuổi ngấp nghé về hưu, gắn bó hàng chục năm trời xếp hàng lại từ đầu để thi và đáng nói hơn, nếu thi trượt thì họ sẽ trở về con số không tròn trĩnh. Ai sẽ trả lại thanh xuân, cơ hội cho họ?

Báo Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm