pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gần 60% phụ nữ từng kết hôn trải qua ít nhất 1 hình thức bạo lực
Báo cáo tại Hội thảo, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (TƯ Hội LHPNVN) cho biết, tại Việt Nam, tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) phổ biến đối với phụ nữ. Có tới 58% phụ nữ từng kết hôn cho biết họ trải qua ít nhất 1 hình thức bạo lực; nam giới chiếm 83,69% số người gây BLGĐ, mỗi năm cả nước có hơn 100.000 vụ BLGĐ dẫn đến ly hôn. Tình trạng quấy rối và tấn công tình dục phổ biến đối với phụ nữ. Có đến 51% phụ nữ thừa nhận rằng họ từng bị quấy rối tình dục ít nhất 1 lần; 87% bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng...
Tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục đáng báo động và trở thành vấn đề bức xúc cho xã hội. Từ năm 2015 đến tháng 6/2019, toàn quốc có 8.091 trẻ em bị xâm hại (nữ chiếm 86,9%), trong đó 79,5% là trẻ em bị xâm hại tình dục.
Tình trạng mua bán người cũng xảy ra chủ yếu đối với phụ nữ. Giai đoạn 2011-2016, mỗi ngày có 4 người bị mua bán, trong đó nạn nhân là phụ nữ chiếm 96,4%; trẻ em là 16%.
Bà Hiền cho biết, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em tuy phổ biến nhưng rất ít vụ việc được phát hiện và xử lý. Chỉ 43% số trường hợp phát hiện được công an điều tra; 61% số trường hợp trình báo được chuyển sang hòa giải; chỉ có 12% số trường hợp được trình báo có kết quả buộc tội hình sự và chỉ có 1% số trường hợp có trình báo là được kết án. Có nhiều lý do dẫn tới tình trạng này, có tới 87% nạn nhân BLGĐ không tìm kiếm sự giúp đỡ nào từ các dịch vụ công; 50% số nạn nhân được hỏi không biết về các quyền tại thời điểm bị bạo lực...
Mặc dù đã có những quy định khá cụ thể để giải quyết vụ việc bạo lực xảy ra nhưng tình trạng bạo lực giới ở Việt Nam vẫn đang diễn ra phổ biến và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Để giải quyết thực trạng này, cần phải có các giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là cơ chế phối hợp liên ngành để can thiệp, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân trong những trường hợp cụ thể và được hỗ trợ trong quá trình đi tìm công lý.
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa, một trong những giải pháp cho yêu cầu này là thí điểm thành lập "Trung tâm một cửa liên ngành bảo vệ phụ nữ bị bạo lực giới, trẻ em bị xâm hại" để thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp một cách kịp thời, thân thiện, dễ tiếp cận và hiệu quả để có chứng cứ cho quá trình tư pháp và nạn nhân được bảo vệ an toàn về thể chất, tinh thần ngay khi vụ việc mới xảy ra.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa cho biết, ở nhiều nước phát triển đã thành lập được các trung tâm một cửa giúp đỡ nạn nhân bị BLGĐ. Tại những trung tâm này, nếu nạn nhân cần sự hỗ trợ sẽ được trợ giúp mọi mặt từ bảo vệ an toàn, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ điều trị y tế… Còn ở Việt Nam hiện chưa xây dựng được trung tâm hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình vận hành theo mô hình một cửa. Điều này khiến các nạn nhân của bạo lực gặp nhiều khó khăn khi cần sự giúp đỡ. Vì thế, TƯ Hội đang xây dựng đề án thí điểm thành lập Trung tâm một cửa liên ngành bảo vệ phụ nữ bị bạo lực giới, trẻ em bị xâm hại, trực thuộc TƯ Hội.
Tại Hội thảo, bà Lương Ngọc Trâm, Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, cho biết, Hàn Quốc đã vận hành Trung tâm Dịch vụ một cửa Hướng Dương. Chỉ cần 1 cuộc điện thoại gọi đến Trung tâm, nạn nhân bị bạo lực sẽ được trợ giúp mọi mặt từ bảo vệ an toàn, tư vấn tâm lý, hỗ trợ, kết nối điều trị đến hỗ trợ các vấn đề về pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho nạn nhân. Vì thế, mô hình này cũng nên triển khai ở Việt Nam.
Đồng tình với quan điểm này, bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, cho rằng, cần thiết phải có mô hình trên ở Việt Nam. Theo bà Hồng, mô hình này nên triển khai thí điểm tại các địa phương để đánh giá kết quả trước khi nhân rộng.
Đa số đại biểu tham dự Hội thảo điều thống nhất cần thiết phải xây dựng trung tâm một cửa để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực. Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa đánh giá cao những góp ý trong việc xây dựng đề án của các đại biểu tham dự hội thảo. Trên cơ sở đó, tổ soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện đề án để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt triển khai, nhằm giúp những phụ nữ và trẻ em bị bạo lực có thể được hỗ trợ một cách tốt nhất.