Gắn các mô hình bảo vệ môi trường với cơ hội sinh kế

Linh An
27/10/2022 - 07:51
Gắn các mô hình bảo vệ môi trường với cơ hội sinh kế

Hội viên, phụ nữ quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) tham gia lớp tập huấn làm enzyme từ vỏ trái cây

Nhựa đã trở nên phổ biến rộng rãi nhưng chưa được quản lý tốt và là chất ô nhiễm nguy hiểm trong không khí, trên đất liền, ở dưới nước. Để góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, cần các hoạt động hướng tới địa phương làm chủ và quản lý thực hiện, lựa chọn các sáng kiến có thể duy trì bền vững lâu dài.

Tiếp cận các mô hình hay

Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường và khẳng định rõ vai trò là chủ thể của phụ nữ trong xây dựng và thực hiện các hoạt động tại địa phương, hội viên, phụ nữ ở 7 quận/huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã tích cực tham gia bảo vệ môi trường trong những năm qua.

Gắn các mô hình bảo vệ môi trường với cơ hội sinh kế - Ảnh 1.

Bàn giao mô hình và phương tiện thu gom, phân loại rác thải tài nguyên cho các CLB Sống xanh thuộc 7 quận, huyện ở TP Đà Nẵng

Với xự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh, Hội LHPN TP Đà Nẵng đã triển khai sáng kiến và thành lập được 7 CLB Sống Xanh thuộc 7 quận/huyện tham gia sáng kiến với tổng số thành viên là 126 người. Nhằm giúp các thành viên hiểu được vai trò, nhiệm vụ và các hoạt động của CLB Sống Xanh, Hội LHPN TP Đà Nẵng đã xây dựng và in ấn phát hành 120 cuốn "Tài liệu hướng dẫn thành lập, củng cố, sinh hoạt của CLB Sống Xanh tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường".

Hội LHPN TP Đà Nẵng đã  hỗ trợ 7 mô hình thùng thu gom rác tài nguyên, nguy hại và có hướng dẫn rõ ràng cùng với 7 xe thu gom rác thải tài nguyên, giúp cho việc thu gom rác trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn. 49 thành viên ở CLB Sống Xanh đã được tham gia 2 đợt tập huấn về tìm hiểu về nhựa và tác hại của rác thải nhựa đến môi trường, sức khỏe con người. Từ đó, các thành viên trở nên tự tin tổ chức 7 sự kiện truyền thông đến cộng đồng với 241 người tham gia.

Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động từ 7 CLB Sống Xanh đã tổ chức thu đổi được gần 400 kg rác tài nguyên, trao 200 sản phẩm truyền thông thân thiện môi trường (giỏ nhựa, túi sinh thái, bình nước thủy tinh, hộp đựng thức ăn...); vận động cộng đồng thu gom thùng sơn cũ, trang trí và phát 80 thùng rác tái chế.

Sau gần 7 tháng tham gia hoạt động (từ tháng 12/2021 đến tháng 6/2022), 7 CLB Sống Xanh đã huy động được gần 80% người dân tham gia phân loại, thu gom được được 32.410 lon; 1.464.024 kg rác nhựa, 707.180 kg giấy, 753.750 kg kim loại với số tiền gần 22 triệu đồng, từ nguồn này đã hỗ trợ khoảng 98 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.

Sáng kiến đã giúp phụ nữ phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các CLB triển khai các hoạt động, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội và công tác truyền thông phân loại rá thải hiệu quả hơn. Đồng thời, sáng kiến cũng hỗ trợ cho CLB trong công tác truyền thông, thu hút sự tham gia của cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng cùng thực hiện phân loại rác.

Gắn các mô hình bảo vệ môi trường với cơ hội sinh kế - Ảnh 2.

Sản phẩm tái chế của Hội LHPB các phường trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội)

Tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), hơn 6 tháng qua, Hội LHPN quận đã có 3 hoạt động chính, đó là "Mô hình phân loại rác, xử lý rác ngay chính trong gia đình", cuộc thi "Phụ nữ Bắc Từ Liêm chung tay phòng chống rác thải nhựa" và "Sân chơi tái chế cộng đồng".

Hơn 500 hội viên, phụ nữ được tiếp cận với việc tập huấn phân loại và xử lý rác như tận dụng rác để tái chế, ủ thành phân hữu cơ, làm chế phẩm enzyme tẩy rửa. Sau khi được dự án trao tặng các thùng ủ phân quay trộn, hiện 12 thùng ủ này được các hội viên 12 phường của quận tận dụng từ chính rác hữu cơ trong gia đình. Việc phân loại rác trở nên dễ dàng hơn khi thùng rác của các gia đình đã được xử lý về rác ướt, còn về các rác tái chế sẽ được đóng góp cho cuộc thi thu gom của hội phụ nữ.

Sau khoảng 3 tháng triển khai cuộc thi "Phụ nữ Bắc Từ Liêm chung tay phòng chống rác thải nhựa", các hội viên đã thu gom được tổng cộng 38,5 tấn rác tái chế, trong đó lượng rác thải nhựa chiếm xấp xỉ 10,1 tấn.

Cùng với đó, mô hình "Sân chơi tái chế cộng đồng" tại phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm cũng đang được hoàn thiện và sẽ khai trương trong thời gian tới. Tận dụng các bánh xe cũ và các loại gốm sứ vỡ bỏ đi để tạo ra các sân chơi từ sản phẩm tái chế cho trẻ em, đảm bảo an toàn và vừa đưa đến các thông điệp truyền thông về rác thải.

Nâng cao hiệu quả các phong trào

Vai trò của phụ nữ trong giảm thiệu rác thải nhựa nói riêng và công tác bảo vệ môi trường nói chung rất quan trọng. Nhận thấy được vai trò này, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh đã thúc đẩy hợp tác đối tác với các cấp hội phụ nữ để thực hiện nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa với các mô hình hay, hiệu quả.

Gắn các mô hình bảo vệ môi trường với cơ hội sinh kế - Ảnh 3.

Đại diện Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh và Hội viên Hội LHPN quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội tại một hội nghị về môi trường

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Giám đốc - Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh - GreenHub, cho biết: "Chúng tôi sẽ kết nối các đơn vị thu gom để việc phân loại rác có ý nghĩa hơn, tăng tỷ lệ rác được tái chế và giảm áp lực lên các công ty môi trường, bãi chôn lấp của thành phố. Cùng với đó, các buổi chia sẻ kinh nghiệm triển khai trong chính các mô hình điểm, cá nhân năng nổ cũng sẽ được tổ chức. Các lớp tập huấn, nâng cao năng lực dự kiến cũng sẽ tiếp tục được thực hiện để thúc đẩy, khuyến khích các hội viên, phụ nữ và người dân trên địa bàn có những sáng kiến mới về giảm thiểu rác nhựa.

Để thực hiện thành công hơn nữa hiệu quả các mô hình, bà Thu Trang cũng khuyến nghị các cấp Hội LHPN cần thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm giữa Hội LHPN các tỉnh, thành phố để nhân rộng các điển hình thực hiện tốt, trong đó, mô hình "Thu gom, phân loại rác thải nhựa". Tuy là cách làm đơn giản nhưng đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia; tạo sức lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng, mô hình biến rác thành tiền; gây quỹ thực hiện các công tác xã hội, thiện nguyện và hoạt động ở chi hội phụ nữ.

Đặc biệt, cần gắn các mô hình bảo vệ môi trường không chỉ là các phong trào mà còn là cơ hội sinh kế, phát triển kinh tế, khởi nghiệp cho các phụ nữ quan tâm. Từ đó có thể phát huy bền vững mô hình sau giai đoạn truyền thông, thực hiện sáng kiến.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm