Gần một nửa phụ nữ ở 57 nước đang phát triển không được quyền tự chủ thân thể

Ngự Bình
22/04/2021 - 16:56
Gần một nửa phụ nữ ở 57 nước đang phát triển không được quyền tự chủ thân thể

Hình minh họa

Không chỉ dừng lại ở những tổn hại sâu sắc tới từng cá nhân phụ nữ và trẻ em gái, việc không có quyền tự chủ thân thể còn gây ra những tác động to lớn: Nguy cơ làm giảm năng suất kinh tế, suy giảm kỹ năng, gia tăng chi phí cho hệ thống y tế và tư pháp.

Ngày 22/4, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ, TƯ Đoàn và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã tổ chức Lễ Công bố Báo cáo Tình trạng Dân số thế giới năm 2021. Báo cáo cho thấy gần một nửa phụ nữ tại 57 quốc gia đang phát triển không được quyền tự chủ thân thể của chính mình.

Báo cáo Tình trạng Dân số thế giới năm 2021 - quyền tự chủ thân thể

Bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam - phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam - nhấn mạnh: "Sự phủ nhận quyền tự chủ thân thể là hành vi vi phạm quyền cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái, làm gia tăng bất bình đẳng và tiếp tay cho tình trạng bạo lực do phân biệt giới tính. Việc này không khác gì sự hủy diệt con người về mặt tinh thần, và phải được ngăn chặn".

Ngược lại, khi được kiểm soát thân thể của chính mình, người phụ nữ có thể làm chủ các khía cạnh khác trong cuộc sống. Phụ nữ không chỉ có thêm quyền tự chủ mà còn được tiếp cận những tiến bộ trong y tế và giáo dục, gia tăng thu nhập và đảm bảo an toàn. Phụ nữ sẽ có cơ hội để phát triển. Gia đình, cộng đồng và quốc gia cũng được hưởng lợi từ sự phát triển này.

Với chủ đề "Cơ thể tôi là của tôi: Mưu cầu quyền tự chủ và tự quyết", báo cáo cho thấy:

* Chỉ 55% phụ nữ hoàn toàn có quyền lựa chọn về dịch vụ y tế, sử dụng biện pháp tránh thai và quan hệ tình dục.

* Chỉ 71% quốc gia đảm bảo người dân được tiếp cận gói dịch vụ chăm sóc thai sản tổng thể.

* Chỉ 75% quốc gia đảm bảo người dân được tiếp cận các biện pháp tránh thai một cách hợp pháp, đầy đủ và bình đẳng.

* Chỉ 80% quốc gia có luật hỗ trợ sức khỏe tình dục và hạnh phúc cho người dân.

* Chỉ 56% quốc gia có các văn bản pháp luật và chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho chương trình giáo dục giới tính toàn diện.

Báo cáo nêu lên những cách thức khác nhau liên quan tới quyền tự chủ thân thể của phụ nữ, nam giới, trẻ em gái và trẻ em trai, cụ thể là:

* 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có luật "cưới kẻ cưỡng hiếp", trong đó nam giới phạm tội cưỡng hiếp có thể không bị truy tố hình sự nếu kết hôn với phụ nữ và trẻ em gái bị anh ta cưỡng hiếp.

* 43 quốc gia không có quy định pháp luật giải quyết vấn nạn hiếp dâm trong hôn nhân (bị vợ hoặc chồng cưỡng hiếp).

* Hơn 30 quốc gia hạn chế quyền đi lại của phụ nữ bên ngoài nhà ở của họ.

* Trẻ em trai và trẻ em gái khuyết tật có khả năng bị bạo lực tình dục cao gần gấp ba lần, trong đó trẻ em gái dễ gặp nguy cơ hơn.

Gần một nửa phụ nữ ở 57 nước đang phát triển không được quyền tự chủ thân thể  - Ảnh 2.

Các đại biểu và chuyên gia thảo luận tại buổi lễ

Theo các đại biểu, nữ thanh niên được giáo dục nhiều hơn có xu hướng tự quyết về việc sử dụng các biện pháp tránh thai và chăm sóc sức khỏe sinh sản, cũng như nói không với quan hệ tình dục. Giáo dục giới tính toàn diện, nghĩa là cung cấp thông tin chính xác, phù hợp với lứa tuổi về quyền, sức khỏe tình dục và sinh sản, cũng đóng vai trò quan trọng. Bởi lẽ, chương trình này giúp phòng, tránh mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây qua đường tình dục, trang bị cho người trẻ hành trang để có thể lên tiếng bảo vệ chính mình. Bên cạnh đó, chương trình cũng dạy cho người học về sự tôn trọng, đồng thuận và bình đẳng - những yếu tố then chốt để hiện thực hóa quyền tự do thân thể.

Ông Nguyễn Tường Lâm - Bí thư TƯ Đoàn - bày tỏ mong muốn, công tác giáo dục giới tính toàn diện với trọng tâm là bình đẳng giới sẽ giúp nam, nữ thanh niên có được các kỹ năng giao tiếp tốt hơn, có sự tôn trọng nhau, phát triển toàn diện và có kiến thức kỹ năng để tự chăm sóc, bảo vệ bản thân.

Quyền tự chủ cơ thể được đo lường thông qua 2 chỉ số của các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) là chỉ số 5.6.1 và 5.6.2. Trong số 75 quốc gia có số liệu trong báo cáo, để đo lường chỉ số SDG 5.6.2 về sự sẵn có của hệ thống luật pháp, các văn bản quy định hoặc chính sách đảm bảo quyền tiếp cận đầy đủ và bình đẳng cho phụ nữ và nam giới từ 15 tuổi trở lên trong việc tiếp cận thông tin và giáo dục về chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục.

Việt Nam có chỉ số đạt 54% trên 100%.


Việt Nam chưa có bộ số liệu đầy đủ cho chỉ số SDG 5.6.1 (Tỷ lệ phụ nữ từ 15-49 tuổi tự đưa ra quyết định về quan hệ tình dục, sử dụng biện pháp tránh thai và chăm sóc sức khỏe sinh sản) nhưng có kế hoạch thực hiện trong những năm tới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm