Gần 20 năm không sử dụng đến tiền
Đó là Heidemarie Schwermer, một phụ nữ Đức. Gần 20 năm trước, cô đã loại bỏ tiền ra khỏi đời sống của mình. Cô thấy mình nhẹ nhõm và hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Câu chuyện thú vị của Heidemarie bắt đầu từ hơn 20 năm trước, khi cô đang là một giáo viên trung học thì đời sống hôn nhân rơi vào trục trặc. Cô phải chuyển 2 con đến thành phố Dortmund, trong khu vực Ruhr của Đức.
Tại đây, một trong những điều đầu tiên cô chú ý là có một số lượng lớn những người vô gia cư. Điều này làm cô sốc đến mức cô quyết định sẽ phải làm điều gì đó. Cô nghĩ, sẽ có những người vô gia cư chỉ cần có cơ hội làm cho mình trở nên hữu ích. Vì vậy, cô đã tự mở một Tauschring (cửa hàng trao đổi), gọi là "Gib und Nimm" (Cho và nhận).
Cửa hàng nhỏ là nơi mọi người có thể giao dịch, trao đổi các thứ họ cần mà không phải bỏ ra một đồng nào. Quần áo cũ có thể được trao đổi bởi các thiết bị nhà bếp cũ và dịch vụ xe hơi được trao đổi lại bởi dịch vụ sửa chữa ống nước v.v…
Vào năm 1995, Tauschring của cô đã thu hút rất nhiều người dân thất nghiệp và những người đã nghỉ hưu trong thành phố. Họ mong muốn trao đi những thứ họ thừa và nhận lại những thứ họ cần. “Tauschring” của Heidemarie Schwermer đã trở thành một hiện tượng ở Dortmund, thậm chí khiến người sáng tạo của mình tự hỏi mình một số câu hỏi về cuộc sống mà cô đang sống…
Tuy nhiên, cửa hàng này không thực sự thu hút được nhiều người vô gia cư ở Dortmund, bởi vì, một số người trong số họ nói với cô ấy rằng: Họ không cảm thấy một người phụ nữ trung lưu có học thức có thể liên quan đến tình trạng của họ… Do đó, cô bắt đầu nhận ra mình không hài lòng với công việc của mình, các triệu chứng thể chất (đau lưng và bệnh liên tục), và quyết định bỏ nghề dạy học, thử tiếp nhận các công việc khác.
Cô bắt đầu với việc đi rửa bát đĩa thuê theo giờ và mặc kệ việc người ta hay hỏi "Bạn đã đi học đại học để làm điều này sao?".
Đến năm 1996, cô có quyết định lớn nhất cuộc đời mình: sống mà không có tiền. Các con của cô đã dọn ra ngoài ở và thu xếp được cuộc sống, để cô bán căn hộ ở Dortmund và quyết định sống một cách du mục, theo kiểu trao đổi mọi thứ với mọi người để phục vụ lại mọi thứ cô cần.
Cho đến gần 20 năm sau, cô vẫn sống theo nguyên tắc của “Gib und Nimm”. Cô làm nhiều công việc khác nhau để đổi lấy chỗ ở trong nhà của nhiều thành viên khác nhau của “Tauschring”.
Cô cũng đã viết 2 cuốn sách về kinh nghiệm sống của mình mà không có tiền và yêu cầu nhà xuất bản của cô trao tiền nhuận bút cho tổ chức từ thiện để nó có thể làm cho nhiều người hạnh phúc thay vì chỉ một.
Tất cả đồ đạc của cô đều tối giản, tiện lợi với 1 chiếc vali đơn và ba lô. Cô chỉ có 1 khoản tiền tiết kiệm khẩn cấp là 200 đô la. Thậm chí, Heidemarie không có bảo hiểm y tế vì cô không muốn tốn tiền của tiểu bang, cô dựa vào khả năng tự chữa trị một số bệnh lặt vặt khi gặp phải…
"Sống tự do và không bận tâm đến tiền"
Với Mark Boyle ở Anh - hiện anh cũng đang là người khởi xướng phong trào sống không cần tiền và thu hút khá đông thành viên trên khắp thế giới tham gia.
Trước đó, anh từng là một cử nhân Kinh tế, là người ở thành phố Bristol (Anh). Năm 2007, anh bắt đầu từ bỏ công việc tại một công ty thực phẩm để thực hiện mong muốn chứng minh một cuộc sống không phải bận tâm đến tiền. Để có được chỗ ở, Mark đã lên mạng đăng quảng cáo xin được một chỗ ở miễn phí. Sau đó, anh tìm đến một nông trại xin được làm việc 3 tuần/ngày để đổi lấy cái ăn và chỗ để trồng rau. Vài tháng đầu, cuộc sống của Mark có những khó khăn nhất định nhưng anh thích nghi dần.
Mark thường xuyên di chuyển bằng cuốc bộ hoặc xe đạp. Anh dùng đồ uống chế biến từ cây cỏ thiên nhiên.
Mark từng viết một cuốn sách thu hút đông đảo độc giả mang tên “Người không cần tiền”. Trong đó Mark mô tả những trải nghiệm về cuộc sống mới tự do, khoẻ mạnh và hài lòng. Đặc biệt, anh còn nhấn mạnh về một mong muốn xã hội thay đổi theo xu hướng chủ nghĩa cộng sản, ở đó có cuộc sống công bằng, không vụ lợi, phi tài chính.
Ngoài ra, Mark Boyle cũng được biết đến một cách rộng rãi khi là người sáng lập phong trào Freeconomy toàn cầu. Trang mạng Freeconomy của anh đã trở thành cổng kết nối cho một cộng đồng hơn 15.000 thành viên khắp 160 quốc gia.
Cũng có những ý kiến cho rằng sống như vậy là bấp bênh, cũng luôn phải tính toán chuyện sẽ đi đâu, làm gì, đổi gì để có ăn, chăm sóc gia đình, người thân như thế nào... Vì vậy, nhiều người phản đối xu hướng này. Tuy nhiên, Mark Boyle thấy chọn cách sống này thực sự là “bớt tính toán”, “sống nhân ái”, chung tay giúp nhau cùng có những sản phẩm được sử dụng miễn phí trong đời sống… Còn Heidemarie cho biết: “Cuộc sống với nhiều nỗi lo về vật chất trong thời hiện đại dường như đã khiến người ta quên đi ý nghĩa thực của hạnh phúc. Khi dùng ít tiền hơn, bớt lệ thuộc vào vật chất thì trái đất này sẽ được bảo vệ tốt hơn”.