Gây khó dễ khi chuyển mạng giữ số có thể bị phạt 20-30 triệu đồng/trường hợp

24/02/2019 - 10:35
Cục Viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông) yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông kiểm soát lẫn nhau thông qua đối soát chéo, đồng thời lập đường dây nóng nhận ý kiến phản ánh. Những doanh nghiệp viễn thông cố tình gây khó dễ cho khách hàng về chuyển mạng giữ số có thể bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng/trường hợp.

Trước những bức xúc của người dân khi nhiều doanh nghiệp viễn thông cố tình gây khó dễ cho thuê bao chuyển mạng, mới đây Cục Viễn thông đã yêu cầu các nhà mạng dừng ngay hành vi cản trở việc chuyển mạng của người dùng di động. Song song với đó, các nhà mạng phải cải tiến việc cập nhật thông tin sao cho tường minh, dễ hiểu với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.

 

chuyenmanggiuso2.jpg
Thống kê về lượng thuê bao đăng ký chuyển mạng và số thuê bao chuyển mạng thành công theo tháng của từng nhà mạng, trong khoảng thời gian từ 16/11/2018 đến 20/2/2019. (Số liệu: Cục Viễn thông)

 

Trong trường hợp các doanh nghiệp viễn thông vẫn cố tình gây khó dễ cho thuê bao chuyển mạng, Cục Viễn thông sẽ kiến nghị lãnh đạo Bộ TT&TT tổ chức thanh tra đối với từng nhà mạng. Theo đại diện Cục Viễn thông, các nhà mạng cần tiếp tục đề xuất cải tiến quy trình chuyển mạng cũng như việc sửa đổi các thông tư hướng dẫn triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số trên nguyên tắc tạo điều kiện tối đa cho người sử dụng.

 

Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết, trong dự thảo Nghị định 174 sửa đổi quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, sẽ có điều khoản phạt các nhà mạng với số tiền từ 20-30 triệu đồng đối với các trường hợp gây khó dễ hay từ chối chuyển mạng giữ số mà không có lý do chính đáng. Do đó, Cục trưởng Cục Viễn thông đề nghị các nhà mạng cần có biện pháp sớm dứt điểm tình trạng gây khó dễ cho khách hàng.

 

Hiện các nhà mạng đã tổ chức việc đối soát chéo lẫn nhau hàng tuần đối với các thuê bao bị từ chối chuyển mạng. Cục Viễn thông yêu cầu các nhà mạng phải tự động hóa quá trình đối soát dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu khách hàng để giảm việc phải đối soát thủ công.

 

Dự kiến thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ tổ chức đường dây tiếp nhận khiếu nại các vấn đề liên quan đến dịch vụ chuyển mạng giữ số qua đầu số 1900. Trong trường hợp các doanh nghiệp có tỷ lệ chuyển mạng thành công thấp, Cục sẽ kiến nghị lãnh đạo Bộ TT&TT tổ chức thanh tra việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số.

 

cmgs.jpg
Ảnh minh họa

 

Trước đó, dịch vụ chuyển mạng giữ số của các nhà mạng đã chính thức được triển khai và đem tới nhiều lựa chọn hơn cho người dùng di động. Theo đó, chính thức từ 1/1/2019, các nhà mạng gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone và Vietnamobile đồng loạt cung cấp dịch vụ chuyển mạng cho cả thuê bao di động trả trước và trả sau.

 

Hiện nay, với mức phí chuyển mạng đều như nhau là 60.000 đồng/lần, cước phí dịch vụ gần như ngang nhau thì các nhà mạng chủ yếu chỉ cạnh tranh về việc chăm sóc khách hàng, chương trình khuyến mãi, các dịch vụ giá trị gia tăng.

 

Tuy nhiên để có thể chuyển số di động mà mình mong muốn sang một nhà mạng mới, nhiều người dùng đã gặp phải một số tình huống khá oái oăm, cho thấy việc tưởng chừng như đơn giản này hóa ra lại không hề dễ. Lý do được nhiều người đưa ra chính là những khó dễ mà các nhà mạng đưa ra để níu chân khách hàng như tự ý gia hạn thêm 2 năm hoặc dùng chiêu “hoãn binh”.

 

Nhiều trường hợp, nhà mạng đã tung ra khá nhiều khuyến mãi hấp dẫn, như khuyến mãi tặng tiền vào tài khoản, tặng dữ liệu 3G, 4G,... trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên nếu đọc kỹ, các khuyến mãi trên đều đi kèm với một cam kết về thời gian sử dụng với nhà mạng, khiến chủ thuê bao không thể chuyển mạng giữ số, thường là trong vòng 24 tháng.

 

Ví dụ cách đây hơn một tháng, nhiều khách hàng của MobiFone lên tiếng phàn nàn về việc họ bị MobiFone “trói chân” bằng một chiêu khuyến mại “mờ ảo”, khiến họ không thể chuyển sang sử dụng một mạng di động khác.

 

Cụ thể, MobiFone đã tung ra một chương trình khuyến mãi “tặng 20 nghìn đồng cho mỗi thuê bao nhân dịp năm mới 2019”. Đối tượng áp dụng là các thuê bao trả sau và các thuê bao trả trước, không áp dụng cho thuê bao khách hàng doanh nghiệp, hội viên chương trình Kết nối dài lâu, khách hàng cao cấp, thuê bao đang có gói C90, không áp dụng cho thuê bao liên lạc nghiệp vụ, thuê bao data. Trên website của mình, MobiFone cũng nói rằng đây là chương trình “chào đón năm mới 2019”, song thực chất đây là một chương trình nhằm giữ chân thuê bao ở lại với mạng di động này.

 

Tại cuộc họp sơ kết công tác triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số di động của Cục Viễn thông mới đây, theo số liệu thống kê của cơ quan này, sau 3 tháng triển khai, chỉ có 53% (62.398 thuê bao) lượng thuê bao đăng ký chuyển mạng là thành công.

 

Từ những con số thống kê trên, có thể thấy tỷ lệ người đăng ký thành công dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số còn thấp. Lý giải về điều này, đại diện Cục Viễn thông cho biết, việc nhiều người dùng bị từ chối chuyển mạng chủ yếu là do các thuê bao này vẫn còn đang trong thời gian cam kết sử dụng dịch vụ với nhà mạng chuyển đi. Ngoài ra, cũng do nhiều nhà mạng viễn thông hiện vẫn đang gây khó dễ với khách hàng khi chuyển mạng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm