Gây thiện cảm với con riêng của bạn đời

Trịnh Trung Hòa
28/06/2022 - 08:35
Gây thiện cảm với con riêng của bạn đời
Khi bạn định kết hôn với một người đã có con riêng, bạn nên nhớ rằng cuộc hôn nhân này có hạnh phúc hay không phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ giữa bạn và những đứa trẻ đó.

Bạn chớ coi thường điều này. Tốt nhất là nên gây dựng tình cảm với đứa trẻ ngay từ khi mới bắt đầu. Nếu bạn làm hỏng khâu này, về sau sửa lại rất khó, thậm chí không sửa được.

Có những người yêu rất thật lòng một người đã từng kết hôn nhưng lại không sao yêu thương nổi đứa con riêng của họ, đưa cuộc hôn nhân vào khủng hoảng triền miên. Càng phức tạp hơn khi cả hai cùng có con riêng và sẽ trở thành bi kịch nếu mỗi người chỉ yêu được con mình, còn con của người kia chỉ muốn đẩy đi cho khuất mắt. 

Một nữ giảng viên đại học 38 tuổi, ly hôn đã 7 năm nhưng vẫn không dám "đi bước nữa" vì chỉ sợ con mình khổ. Không hiểu sao đứa con 9 tuổi của chị không hợp với anh ta một chút nào, cứ như nước với lửa, trông thấy nhau là khó chịu. Một lần nó bảo mẹ: "Nếu mẹ lấy chú ấy thì cho con về quê ở với ông ngoại". Chị nghe con nói, nước mắt lưng tròng, ôm con hứa không lấy ai cả, chỉ cần mẹ con có nhau thôi.

Ở đời, có những khó khăn không phải chúng ta không có khả năng khắc phục nhưng vì không nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề nên chúng ta không chịu đầu tư công sức vào đó. Bước khởi đầu rất quan trọng, bạn cần tạo điều kiện cho người yêu "chinh phục" con riêng của mình trước khi về chung sống một nhà. 

Có những đứa trẻ vì ngây thơ hoặc ích kỷ, không hiểu được vì sao đang sống yên ổn với nhau lại có một người ở đâu "nhảy" vào chia sẻ tình cảm của nó? Nếu nó còn quá nhỏ chưa hiểu gì thì càng dễ gây thiện cảm. Hoàn cảnh để chinh phục đứa trẻ có thể ở những nơi công cộng cho có vẻ tự nhiên. Khi đó, nó dễ tiếp nhận tình cảm của người lạ một cách vô tư chứ không nghĩ vì muốn lấy mẹ hay bố nó mà "giả vờ" tốt với nó.

Thực tế, không ít trường hợp người phụ nữ vì yêu thương đứa trẻ không có mẹ mà cảm thông với cảnh "gà trống nuôi con" rồi năng giúp đỡ, từ đó đi đến yêu nhau. Cũng có người đàn ông khi thì đá bóng, khi chữa đồ chơi cho một cậu bé không có bố rồi dần dần thân với mẹ nó và chính đứa trẻ ngây thơ trở thành cầu nối giữa hai người. Đa số những trường hợp đó là do ngẫu nhiên nhưng tại sao chúng ta không thể dàn dựng những chuyện "ngẫu nhiên" như thế.

Thông thường đứa trẻ thiếu bố hay mẹ hoặc chỉ thỉnh thoảng mới gặp nên thường thiếu thốn tình cảm. Do đó, khi gặp một người lớn đôn hậu thực sự yêu quý nó, nó chẳng dễ khước từ. Thực ra, khi một người đã chinh phục được bạn, họ không phải không có kỹ năng chinh phục. Nhưng trong thực tế, có chị đến nhà người yêu chơi, bị con riêng của anh ta đóng cửa không cho vào. Có anh đang ngồi chơi ở nhà người yêu thì con của chị ta bất ngờ về, hầm hầm giận dỗi. Mẹ dỗ dành thế nào nó vẫn không chịu ngồi ăn cơm cùng. Nhiều khi, lúc đầu đứa trẻ không phản đối người yêu của mẹ nhưng dần dần nó nhận ra ông ta chỉ dành tình cảm cho mẹ nó thôi. Không những thế, còn khó chịu với nó.

Có một thực tế là khi người lớn muốn âu yếm nhau, có mặt đứa con riêng là một trở ngại. Nhất là trước đây nó đã từng chứng kiến cảnh mẹ nó âu yếm người bố đẻ của nó, giờ đây lại thấy mẹ làm như vậy với người đàn ông này. Trong mắt trẻ thơ, đó là sự phản bội. Trong những trường hợp như thế, đa số người mẹ đều cảm thấy như mình có lỗi, điều không bao giờ xảy ra khi chị còn chung sống với chồng cũ. Tất nhiên, chúng ta không thể kỳ vọng người chồng hay người vợ thứ hai ngay từ đầu đã yêu thương con riêng của mình như con đẻ của họ. Cũng đừng hy vọng đứa bé sẽ cư xử với bố dượng công bằng như những gì ông ta cư xử với nó, vì dẫu sao nó vẫn là đứa trẻ. 

Mặt khác, cha mẹ bao giờ chẳng yêu con, nên chỉ nhìn thấy mặt tốt của con mà dễ bỏ qua những khuyết điểm của nó. Trong khi người bạn đời mới thường khách quan hơn và vì vậy họ đánh giá đứa trẻ đúng hơn. Điều này khiến cho hai bên nghi ngờ nhau. Bởi vì tình yêu của cha mẹ dành cho đứa con do mình sinh ra là bản năng, còn sự gắn bó giữa cha dượng hay dì ghẻ với con mình có tính chất xã hội. Vì thế mối quan hệ này không tự nhiên mà có. Nó phải được gieo trồng, nuôi dưỡng mới nảy nở và phát triển được.

Muốn như vậy, người trong cuộc phải có lòng bao dung, độ lưọng mới yêu thương được đứa con không phải máu mủ của mình. Và chỉ khi nào bạn gây dựng được tình cảm tốt đẹp như thế mới là cơ sở vững chắc cho cuộc hôn nhân thứ hai hạnh phúc lâu bền.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm