U men răng - Kẻ thù ẩn mặt

03/08/2015 - 21:49
Nhiều người thấy răng lung lay thì đến phòng khám nhổ, mặt bị lệch lại nghĩ do trúng gió hoặc mắc quai bị nên chỉ cạo gió hay tự mua thuốc điều trị. Họ không biết rằng, những triệu chứng trên có thể liên quan tới bệnh u men răng.

Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt TPHCM, trong phòng đợi phẫu thuật, anh Phạm Thanh Sang (36 tuổi), quê Đồng Tháp, nửa mừng, nửa lo khi bác sĩ đến kiếm tra. “U lành phải không bác sĩ, phẫu thuật xong là không có vấn đề gì đúng không ạ?”, vừa nói, anh Sang vừa nắm chặt tay bác sĩ đang điều chỉnh chai truyền dịch đang chảy từng giọt.

Anh Phạm Thanh Sang choáng váng với kết luận bị u men răng

Là công nhân của một nhà máy sản xuất thức ăn tại thị xã Sa Đéc với mức lương chỉ 3 triệu đồng/tháng, nhưng đó lại là nguồn thu nhập duy nhất để anh Sang trang trải cho tổ ấm của mình với 3 thành viên.

Để đảm bảo cuộc sống cho vợ và con trai, anh Sang bắt đầu kiếm việc làm thêm, không quản giờ giấc, thời tiết, miễn có người thuê là anh làm. “Cuộc sống có hơi vất vả nhưng tôi thấy vui vì vẫn lo được cho vợ con. Nhưng khoảng hơn 1 tháng trước, bỗng dưng tôi thấy ê nhức răng. Từ nhỏ tới lớn chưa khi nào tôi mắc mấy bệnh về răng miệng, tôi nghĩ chắc cũng chỉ là bệnh đơn giản nên đi khám rồi mua thuốc uống. Song, bệnh đỡ được khoảng 1 tuần thì hàm bên phải sưng lại”, anh Sang kể.

Thấy mặt bị sưng lệch 1 bên, ăn uống càng trở nên khó khăn hơn do không mở to được miệng, đặc biệt là quai hàm thì liên tục đau nhức, linh cảm có điều bất ổn, anh cùng vợ quyết định đến Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt TPHCM để khám. Tại đây, anh được bác sĩ chỉ định cho chụp X-quang  rồi đưa ra kết luận anh bị bệnh u men răng. Anh tâm sự: “Khi bác sĩ kết luận tôi bị u men răng, vợ chồng tôi giật mình vì không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Tôi buộc phải nhập viện luôn để theo dõi và chờ ngày phẫu thuật, vợ tôi về quê gửi con cho ông bà, làm thủ tục xin nghỉ tạm thời cho tôi ở công ty và vay mượn tiền, sắp xếp đồ rồi lại vội vã lên thành phố lo chữa trị bệnh cùng chồng”.

Chỉ được phát hiện khi chụp X-quang

Lấy trong túi áo bệnh ra 1 mảnh giấy nhỏ, bên trong có ghi vài dòng nguệch ngoạc mà con trai viết: Ba khỏi bệnh nhanh về với con nha!, anh Sang mân mê tờ giấy hồi lâu rồi lại gấp gọn bỏ vào túi áo.

Nghĩ về cuộc phẫu thuật sắp diễn ra, giọng người đàn ông có thân hình vạm vỡ này bỗng run run: “Trước khi đến bệnh viện, tôi chưa từng nghe gì về căn bệnh này, cũng chẳng biết nó có nguy hiểm không, nhưng cứ thấy bệnh gì có liên quan tới u là tôi lo lắm, lỡ đâu mình có mệnh hệ gì thì tội cho vợ con. Bác sĩ nói sau khi phẫu thuật khoảng 10 ngày là tôi có thể xuất viện rồi tái khám, tôi cũng đã xin nghỉ việc tạm thời, nhưng với tình hình nghỉ lâu như thế này, rất có thể người ta sẽ bắt tôi nghỉ luôn. Xin việc cũng khó khăn lắm, vợ chồng tôi lại không có ruộng vườn hay nghề phụ, những ngày sắp tới ra sao tôi chưa dám nghĩ nữa. Bây giờ chỉ mong cho phẫu thuật thành công, được xuất viện về với con, tôi còn sức khỏe thì còn kiếm được việc”.

Theo bác sĩ Nguyễn Thúy Châu, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt, Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt TPHCM: “U men răng là bệnh khá nguy hiểm và rất khó phát hiện bởi khối u không gây đau nhức mà tiến triển âm thầm, bệnh nhân vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường cho tới khi bệnh tiến triển nặng. Nguyên nhân dẫn tới bệnh này tới nay chưa xác định được, tuy nhiên, việc phát sinh ra khối u thì do tế bào men răng hình thành nên. U chỉ được phát hiện bằng cách chụp X-quang toàn bộ xương hàm, nếu phát hiện sớm thì phẫu thuật đơn giản, tiên lượng tốt, bảo toàn được răng. Song, nếu không được điều trị kịp thời, u sẽ lan vào các tổ chức xung quanh như phần mềm, xương hàm... thoái hóa thành u ác tính, di căn vào máu và hệ bạch huyết, gây nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí tử vong. Bệnh này chủ yếu gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên và trung niên”.


Bác sĩ Nguyễn Thúy Châu, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt, Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt TPHCM

Khi nhập viện, bệnh nhân u men răng nặng đều ở trong tình trạng mặt, xương hàm sưng to, răng lung lay, có người đã rụng gần hết hàm răng, các chức năng nhai, nuốt, nói đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng... nên phương pháp điều trị duy nhất là phải cắt hết cả xương hàm và ghép xương hàm bằng xương tự thân hoặc bằng mảnh ghép kim loại và mang hàm giả. Việc tái tạo xương hàm phức tạp, chi phí khoảng 30-40 triệu đồng và cũng không thể giúp hồi phục hoàn toàn, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân được diều trị bằng kháng sinh để chống nhiễm trùng, chống sưng, giảm đau và kiêng những đồ ăn cứng. Sâu răng, nhiễm trùng răng hoặc chấn thương răng rất dễ dẫn đến u men răng. Vì vậy, khi có các biểu hiện bất thường như: Răng lung lay, xương hàm lệch, có biểu hiện viêm xoang, viêm mũi... cần đi chụp X-quang để phát hiện bệnh và điều trị sớm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm