Gen Z "cháy túi" vì chi tiêu không kiểm soát

Nga Thanh
10/07/2025 - 18:06
Gen Z "cháy túi" vì chi tiêu không kiểm soát

Ảnh minh họa

Những buổi tiệc tùng, “cơn nghiện” mua sắm online hay trào lưu “sống ảo” đang đẩy nhiều bạn trẻ vào cảnh “cháy túi”, thậm chí nợ nần chồng chất. Đây là hệ quả của việc nhiều người trẻ thiếu kiến thức quản lý tài chính cá nhân.

Câu chuyện của Lê Phương Linh (trú tại phường Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một ví dụ. Dù tiền chi tiêu hàng tháng đều phải xin bố mẹ, Linh lại không có khái niệm về việc quản lý tài chính. Mỗi ngày, cô đều đặn gọi trà sữa và thay vì tự nấu ăn, Linh chọn cách đặt đồ ăn qua mạng. 

Trong khi một bữa cơm sinh viên thông thường chỉ tốn khoảng 30.000-40.000 đồng, thì mỗi bữa ăn của Linh luôn từ 60.000 đến 80.000 đồng, thậm chí 100.000 đồng. Không chỉ dừng ở đó, Linh còn là một "tín đồ" của các quán cà phê nổi tiếng ở Hà Nội và cô dường như "check-in" không sót một quán nào.

Bố mẹ Linh đã cố gắng chu cấp cho cô một khoản tiền cố định hàng tháng. Nhưng với thói quen chi tiêu "vung tay quá trán", chỉ vài ngày, Linh đã phải gọi điện xin thêm tiền từ bố, mẹ, hoặc anh trai. 

Lúc thì để thanh toán các đơn hàng Shopee, lúc thì tiền đồ ăn, tiền mỹ phẩm, hay tiền cà phê. Linh không có ý thức về việc quản lý chi tiêu, không biết tiết kiệm và thường xuyên trong cảnh "móc sạch hầu bao" để phục vụ sở thích cá nhân.

Điều này ngược hẳn với em gái của Linh, thói quen tiết kiệm tiền mừng tuổi, tiền thưởng vì học giỏi… trong vài năm, cô bé đã có gần trăm triệu đồng trong tài khoản ngân hàng. Mẹ Linh đang rất lo lắng bởi chỉ vài năm nữa khi đi du học, không biết Linh sẽ xoay xở thế nào với thói quen chi tiêu vô tội vạ.

Câu chuyện của Minh Anh (trú tại phường Sài Gòn, TPHCM), một nhân viên văn phòng mới đi làm, cũng phản ánh thực trạng này. Dù có mức lương khởi điểm không cao nhưng Minh Anh lại có xu hướng chạy theo những món đồ hiệu, những chuyến du lịch "sang chảnh" để đăng tải lên mạng xã hội. 

Cô tin rằng việc sở hữu những món đồ đắt tiền hay "check-in" ở những địa điểm thời thượng sẽ giúp cô nâng tầm giá trị bản thân. Điều này khiến Minh Anh luôn sống trong cảnh nợ thẻ tín dụng và mỗi tháng cô đều phải "giật gấu vá vai" trả lãi và gốc. 

Áp lực tài chính đè nặng khiến cô luôn trong tình trạng căng thẳng, lo âu, thậm chí ảnh hưởng đến hiệu suất công việc.

Một trường hợp khác là Hoàng Nam, một vlogger có lượng người theo dõi khá lớn. Với thu nhập không nhỏ từ các hợp đồng quảng cáo và sản xuất nội dung, Hoàng Nam có vẻ ngoài của một người thành công và có cuộc sống đáng mơ ước. 

Tuy nhiên, đằng sau những video "flexing" (khoe khoang) tài sản và lối sống xa hoa là một thực tế phũ phàng: Nam chi tiêu quá đà vào những buổi tiệc tùng thâu đêm, mua sắm những món đồ công nghệ mới và "đập" tiền vào những trải nghiệm không thực sự cần thiết. 

Hoàng Nam không có kế hoạch tài chính dài hạn, không trích lập quỹ khẩn cấp hay đầu tư. Khi các hợp đồng không còn đều đặn, Nam nhanh chóng rơi vào cảnh khó khăn, phải vay mượn bạn bè, thậm chí phải tính đến việc bán đi một số tài sản để trang trải cuộc sống.

Những câu chuyện nói trên là lời cảnh tỉnh về tầm quan trọng của việc quản lý tài chính cá nhân. Trong thời đại mà mọi thứ đều có thể dễ dàng tiếp cận qua một cú click chuột, áp lực từ mạng xã hội ngày càng lớn, việc trang bị kiến thức về chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư trở nên cấp thiết. 

Chi tiêu cho nhu cầu cá nhân không có gì sai nếu việc đó là kết quả của sự nỗ lực và khả năng tài chính cho phép. Tuy nhiên, sẽ rất nguy hại khi đó chỉ là một vỏ bọc được xây dựng trên nền tảng của những khoản chi tiêu không kiểm soát.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm