pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gen Z sốc vì mới sinh con xong đã bị hỏi "bao giờ đẻ đứa nữa"?
"Ai cũng đẻ chứ có phải mình mình đâu?"
"Con cũng lớn rồi, sao không đẻ đứa nữa đi?"
"Người ta cũng nuôi con có sao đâu? Cứ phải làm quá lên thế?"
"Gắng đẻ thêm đứa con trai nữa!"
…
Có lẽ không ít người mẹ trẻ phải nuốt ngược nước mắt vào trong khi nghe những câu nói này. Bởi người nói cho là quan tâm nhưng với người nghe, đó không khác gì mũi dao sắc nhọn ở thời điểm họ yếu đuối và nhạy cảm nhất.
Khả năng sát thương của những câu vô thưởng vô phạt như vậy lại càng khủng khiếp hơn với người làm mẹ lần đầu, làm mẹ khi còn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm như Gen Z.
Phải học quá nhiều thứ
Sự thay đổi tâm lý là điều dễ thấy nhất ở mọi người mẹ trẻ, thậm chí chính họ còn không hiểu bản thân muốn gì.
Thu Thảo (25 tuổi, Thanh Hóa) - mẹ của 2 em bé cho biết: "Trong thời gian mang bầu, mình thay đổi rất nhiều về tâm trạng, có lúc thấy rất vui, cũng thấy rất buồn. Chỉ 1 hành động hay việc làm nhỏ cũng khiến tâm trạng khác đi, nhiều khi thấy áp lực vô cùng. Nhất là đến cuối thai kỳ, nhiều khi mình không kiểm soát được cảm xúc của bản thân.
Nhưng đến thời kỳ sau sinh, mọi chuyện còn kinh khủng hơn. Mình hay gặp stress, đôi lúc còn nghĩ đến chuyện tiêu cực. Những lúc tự thấy bản thân tiêu cực, mình phải cố kìm lại cảm xúc khi đó và nghĩ gì đó khác đi. Đa số phụ nữ đều sẽ có vấn đề tâm lý trong giai đoạn này vì thời gian này rất nhạy cảm, cuộc sống có nhiều điều thay đổi mà mình không kiểm soát và thích nghi ngay lập tức".
Dù đã chuẩn bị sẵn tâm thế phải làm phụ huynh nhưng Nhung Nguyễn (25 tuổi, nhân viên văn phòng, Hà Nội) không thể không sốc trong lần đầu cầm quyển thai giáo. "Mình không nghĩ để nuôi một em bé lại có nhiều cái phải học hơn cả 12 năm học sinh và 4 năm đại học của mình. Bây giờ em bé nhà mình gần 2 tuổi rồi mà nhiều lúc mình muốn dừng việc nuôi dạy con lại, nhờ ông bà 2 bên giúp"- cô cho biết.
Đến khi sinh xong, Nhung có mẹ chồng phụ chăm con nhưng những lúc mệt mỏi nhất thì em bé cũng chỉ cần mẹ nên cô vẫn thấy khá căng thẳng. Và giống như mọi người, việc có con cũng làm cuộc sống của Nhung đảo lộn.
Ngọc Minh (25 tuổi, nhân viên văn phòng) sinh con từ khi mới 22 tuổi cho biết: "Khi biết tin mang bầu em bé, đương nhiên là mình vừa mừng mà cũng vừa lo. Còn trẻ mà, lần đầu mang bầu không có kinh nghiệm nhưng cảm nhận em bé đang lớn dần trong bụng cũng hạnh phúc lắm. Nhưng nói thật, mình chưa bao giờ cảm thấy đã chuẩn bị đủ tinh thần để sinh con".
Tự ti vì bạn bè tiến xa, còn mình phải chậm lại
Từ sự thay đổi tâm lý, cảm giác lo âu và căng thẳng nói trên, những người mẹ trẻ này tiếp tục đối mặt với áp lực như một điều hiển nhiên.
Hoàng Linh (22 tuổi) cho biết em bé nhà cô quấy khóc suốt 3 tháng đầu, chỉ chịu ngủ trên tay mẹ. "Mình thấy áp lực lắm. Nhiều khi mình bực đến ứa nước mắt" - Linh nhớ lại- "Ở cuộc sống hiện đại, khi chọn sinh con, bất cứ ai cũng sẽ trải qua giai đoạn khủng hoảng này. Khi con quấy khóc, cứ nghĩ sao mọi người chăm con tốt thế mà mình lại không làm được? Nghĩ nhiều lại càng stress hơn. Nhưng thời gian qua đi, mọi thứ sẽ ổn. Nên những bà mẹ trẻ giống mình, hãy mạnh mẽ, nhìn con làm động lực cố gắng là điều quan trọng nhất".
Vấn đề nặng nề nhất với Nhung Nguyễn lại là áp lực đồng trang lứa. "Bạn bè có xuất phát điểm bằng mình mà bây giờ người ta đã đạt được thành tựu này, cột mốc kia còn mình vẫn dậm chân 1 chỗ. Điều đó làm mình thấy tệ. Nhưng may mắn là chồng hiểu và động viên, anh ấy bảo việc mình có con đã là một thành tựu rồi nên cũng đỡ áp lực phần nào" - Nhung chia sẻ.
Với Ngọc Minh, phải đến khi em bé chào đời, cô mới thực sự cảm nhận được căng thẳng, áp lực. "Trở thành mẹ, khoảng thời gian đầu tiên mình thấy rất sốc, bị ngợp. Ở tuổi 22, mình phải bỏ đi sự tự do cá nhân để quanh quẩn trong 4 bức tường cùng 1 người bạn nhỏ mà cả hai chẳng hề hiểu nhau, giao tiếp lúc đó cũng chỉ bằng cảm nhận và phán đoán tự nhiên. Chưa kể ở tuổi trẻ, mình có thể chưa biết nhiều thứ, có thể sai lầm nhưng đã trở thành mẹ, mình phải học cách kiên nhẫn, trở nên thông thạo hơn để có thể chăm con, nuôi dạy con", cô nói.
Thời gian 2 tháng đầu sau sinh là những ngày vất vả nhất với Ngọc Minh. Cô ở riêng, không có 2 bên nội ngoại đỡ đần, chủ yếu là một mình vừa chăm con, vừa hút sữa và làm đủ thứ việc không tên khác.
Tất cả những điều đó khiến cô luôn trong trạng thái tiêu cực: "Mình luôn cảm thấy không có ai bên cạnh, mình sợ tiếng con khóc… Đôi khi thiếu ngủ mà tranh thủ chợp mắt một chút cũng mơ thấy tiếng con".
"Đẻ thêm đứa nữa đi"
Trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, người ta đều phải đối mặt với những sự hối thúc khác nhau. Lúc chưa yêu đương thì "kiếm người yêu đi", lúc có người yêu rồi thì "cưới đi", lúc cưới rồi thì "đẻ đi" và đến khi đẻ rồi thì "phải đẻ thêm đứa nữa đi",... tất cả tạo thành một chuỗi giục giã không hồi kết. Với những người mẹ Gen Z, câu chuyện dừng lại ở điểm "đẻ thêm đứa nữa đi".
Em bé đầu lòng là con gái và đã gần 2 tuổi, Nhung Nguyễn thường được nhắn nhủ "cố đẻ đứa con trai". Có áp lực thật nhưng cô chọn các không quan tâm vì: "Khi nào mình thấy con đã nhận được đầy đủ cả vật chất lẫn tình cảm của bố mẹ thì mới sinh thêm bé thứ 2. Và con mình là do mình chịu trách nhiệm nên không ai có thể thúc giục mình làm điều đó".
Hoàng Linh cũng khá sợ hãi khi có người giục đẻ thêm đứa nữa. "Nuôi 1 đứa nhỏ không hề dễ dàng, đặc biệt khó khăn hơn với những người trẻ như mình. Công việc chưa ổn định, kinh tế lúc này lúc kia khiến mình khá đau đầu trong chuyện sắp xếp cho con 1 cuộc sống như tưởng tượng. Quả thực là 1 đứa với mình đã là quá đủ ở thời điểm hiện tại" - người mẹ trẻ nói.