Gia đình bệnh nhân kiến nghị Tòa tuyên bác sĩ Hoàng Công Lương không có tội ​

08/05/2018 - 12:13
Đại diện các gia đình có bệnh nhân tử vong trong sự cố chạy thận đều bày tỏ cảm thông, động viên bác sĩ Hoàng Công Lương.

Sáng 7/5, Hội đồng xét xử TAND thành phố Hòa Bình đã quyết định hoãn phiên xử các bị cáo trong vụ án liên quan đến sự cố chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 8 người tử vong vào năm 2017. Đa số người thân của gia đình bị hại mong muốn Tòa sẽ xử lý đúng người, đúng tội đồng thời kiến nghị Tòa tuyên bác sĩ Hoàng Công Lương không có tội.

 

Đại diện các gia đình có bệnh nhân tử vong trong sự cố chạy thận đều bày tỏ cảm thông, động viên bác sĩ Hoàng Công Lương và mong muốn bác sĩ này được xét xử vô tội. Là một trong những người đến phiên tòa ngày 7/5 sớm nhất, bà Nguyễn Thị Thu, 64 tuổi, mẹ của một nạn nhân, cho biết, bà hiểu rõ về quy trình lọc máu ở Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, đồng thời cho rằng, sự cố xảy ra, trách nhiệm thuộc về những người quản lý và bộ phận sửa chữa hệ thống lọc nước RO vì cơ quan chức năng đã kết luận nước dùng để chạy thận bị tồn dư hóa chất, chứ không phải do bác sĩ Lương.

hoang_cong_luong_9_qebk.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 7/5/2018. (Ảnh: Tuổi trẻ)
 

Cùng quan điểm này, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, con gái của nạn nhân Nguyễn Thị Minh, cho biết:Theo cá nhân tôi nghĩ, bác sĩ Hoàng Công Lương đã làm hết mình, đúng trách nhiệm. Còn việc để xảy ra sự việc như trên, bác sĩ Lương không có tội. Việc bảo trì, bảo dưỡng máy móc là do bên vật tư, không thuộc quyền quản lý của bác sĩ”.

 

Từ Hà Nội lên Hòa Bình để theo dõi phiên tòa, bà Nguyễn Thị Bích Nguyệt, nguyên bác sĩ Bệnh viện Xanh-pôn (Hà Nội), mắt đỏ hoe, dành cho bác sĩ Hoàng Công Lương một cái ôm tình cảm, động viên tinh thần khi Lương từ TAND thành phố Hòa Bình bước ra. Bà Nguyệt cho rằng, nếu truy tố tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng chỉ vì bác sĩ Lương trước đó đã ký vào giấy đề nghị sửa chữa hệ thống lọc nước và ký y lệnh chạy thận cho bệnh nhân thì không thỏa đáng: “Việc ký vào đề nghị, đề suất sửa chữa máy móc, máy lọc nước RO là một việc hết sức bình thường, một thủ tục hành chính mà bất kỳ bác sĩ nào, thậm chí nếu trong khoa, các bác sĩ đều bận hết, trưởng khoa bận hết thì thậm chí y tá trưởng cũng có thể ký được vì đó là một đề xuất thông thường chứ không phải là một động cơ thúc đẩy việc lọc nước. Việc bác sĩ Lương ký y lệnh để cho tất cả bệnh nhân chạy thận trong buổi sáng hôm đó là đúng vì bác sĩ Lương chỉ có trách nhiệm khám các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân, khám cơ thể bệnh nhân để đảm bảo bệnh nhân đủ tiêu chuẩn về sức khỏe để chạy thận, chứ bác sĩ Lương không có khả năng kiểm tra và trách nhiệm kiểm tra về nước RO đó. Từ trước đến nay, chúng tôi cũng chưa thấy có quy định nào quy định, sau khi lọc nước, bác sĩ phải lấy mẫu đi kiểm tra và khi có mẫu an toàn rồi thì mới tiến hành chạy thận cho bệnh nhân”, bà Nguyệt giãi bày.

 

Nhiều đồng nghiệp là các bác sĩ còn vượt đường xa từ Hà Nội, Nghệ An đến Hòa Bình trong ngày 7/5. Mặc dù chưa một lần gặp mặt Hoàng Công Lương, nhưng vì lương tâm, trách nhiệm với đồng nghiệp, bác sĩ Hoàng Thị Hiếu, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vẫn có mặt tại TAND thành phố Hòa Bình để theo dõi phiên xét xử sơ thẩm. Bác sĩ Hiếu cho biết, khi nhìn thấy Hoàng Công Lương đứng trước vành móng ngựa, bỗng dưng rơi vào vòng lao lý khiến các thầy thuốc thấy mình cũng sẽ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh tương tự bất cứ lúc nào.

bi_cao_luong3_fnzc.jpg
Hoàng Công Lương (phải) rời tòa sau khi phiên xử bị hoãn. (Ảnh: zing.vn)
 

“Bất kể một quy trình nào trong bệnh viện thì đều cần phải chính xác chứ không phải khi để xảy ra sự cố lại quy trách nhiệm người trực tiếp làm. Có nghĩa là ở đằng sau sự việc đó có rất nhiều lỗi ở phía sau mà bác sĩ là nạn nhân. Chúng tôi phải được làm việc trong sự an toàn”, bác sĩ Hoàng Thị Hiếu nói.

 

Hướng về Hoàng Công Lương, bác sĩ Đặng Thị Thanh Nhàn, giảng viên bộ môn sinh lý bệnh, Đại học Y dược Thái Bình đã tập hợp được hơn 15.000 chữ ký kêu gọi bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho bác sĩ Lương.

 

Trao đổi với phóng viên VOV, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc truy tố bác sĩ Lương là rất khiên cưỡng, thậm chí là để "lấp chỗ trống". Còn theo luật sư Lê Văn Thiệp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - 1 trong 6 luật sư đăng ký bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương (tính đến thời điểm này) thì vụ án đang có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Luật sư đang thu thập, tìm hiểu, xác minh các chứng cứ để bào chữa cho Hoàng Công Lương, đồng thời sẽ gửi kiến nghị đến các cơ quan dân cử vào cuộc giám sát việc thực thi pháp luật đối với vụ án này.

 

Như PNVN đã thông tin, ngày 29/5/2017, khi bệnh nhân đang chạy thận tại BV Đa khoa Hòa Bình thì xảy ra sự cố khiến 8 người tử vong, 10 người may mắn thoát chết. Hội đồng chuyên môn đã họp và thấy rằng hệ thống lọc nước RO có vấn đề. 

 

Kết quả xét nghiệm cho thấy, đã phát hiện trong hệ thống nước chạy thận có chất acid fluorid cao gấp 260 lần. Đây là chất cực độc, gây loạn nhịp tim nên bệnh nhân tử vong rất nhanh.

 

Ngay sau khi xảy ra sự việc, công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án để điều tra. Đến ngày 22/6, cơ quan CSĐT đã bắt tạm giam 3 người, trong đó có 2 nhân viên y tế và 1 bác sĩ của BV Đa khoa Hòa Bình. Cơ quan điều tra cho rằng, hành vi của bác sĩ Hoàng Công Lương có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về khám chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, theo điều 242 Bộ luật Hình sự. 

 

Tuy nhiên, sau đó Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành cáo trạng truy tố các bị can trong vụ tai biến chạy thận tại BV Đa khoa Hòa Bình làm 8 người tử vong. Theo đó, bác sĩ Hoàng Công Lương và bị can Trần Văn Sơn bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 2, điều 285, Bộ luật Hình sự 1999 (nay là khoản 3, điều 360, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017). Còn bị cáo Bùi Mạnh Quốc bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người” theo khoản 2, điều 98, Bộ luật Hình sự 1999, nay là khoản 2, điều 128, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

 

Từ khi bác sĩ Lương bị bắt, Bộ Y tế, Tổng Hội Y học, các chuyên gia đã lên tiếng phân tích những bất cập khi cơ quan chức năng điều tra, truy tố và đưa ra xét xử đối với bác sĩ Hoàng Công Lương trong vụ án này. Bộ Y tế cho rằng, cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cần điều tra, xét xử đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm