Gia đình bị tịch thu giường: 'Họ vu khống bài bản'

22/08/2016 - 06:45
Nợ tiền đóng góp 800 nghìn đồng, gia đình chị Toàn bị cán bộ xã đến nhà tịch thu giường. Thế nhưng, trong bản báo cáo của UBND huyện Nông Cống lại nói rằng, chị Toàn… nhờ cán bộ đến thu giường.

Như báo PNVN đã phản ánh, vì nợ tiền đóng góp 800 nghìn đồng, gia đình chị Nguyễn Thị Toàn (SN 1975) đã bị chính quyền xã Trường Sơn, huyện Nông Cống (tỉn Thanh Hóa) kết hợp với làng Thành Liên đến nhà “cưỡng chế” mất chiếc giường - là tài sản có giá trị nhất trong nhà chị thời điểm đó.

13.jpg
Chị Toàn và con gái trên chiếc giường từng bị "cưỡng chế"

Sau khi báo phản ánh, tổ công tác của UBND huyện Nông Cống đã về xã Trường Sơn xác minh. Chị Toàn được mời lên trụ sở xã Trường Sơn để làm việc. Chị Toàn cho biết, tại buổi làm việc hôm đó, chị vẫn khẳng định với tổ công tác: Chiếc giường nhà chị bị xã và làng tịch thu vì nhà chị nợ tiền đóng góp.

Sau đó, một số cán bộ xuống nhà chị Toàn chụp ảnh, ghi hình và thêm một lần nữa chị vẫn kể lại câu chuyện nhà mình bị thu giường. Chị Toàn nói rằng: “Tôi chỉ nhầm lẫn ở mốc thời gian. Trước đó, tôi nhớ nhầm là năm 2010 nhưng thực tế nhà tôi bị thu giường là ở thời điểm năm 2006 hoặc 2007”.

Mặc dù chị Toàn đã khẳng định như vậy nhưng trong bản báo cáo của tổ công tác nói: “Việc đưa giường về nhà văn hóa thôn có nhiều lý do, theo lời bà Toàn kể, ông Tám chồng bà thần kinh không bình thường, thường xuyên uống rượu, hay gây gổ đánh đập vợ con, đập phá tài sản. Vì vậy, bà Toàn đã nhiều lần phải nhờ thôn can thiệp để bảo vệ tài sản của gia đình”.

7.jpg
Không chấp nhận với bản báo cáo, chị Toàn đã làm đơn yêu cầu hủy bản báo cáo.

Khi được Pv cho xem bản báo cáo, chị Toàn đã không cầm được nước mắt. “Tôi không hề nói như vậy. Rõ ràng, năm đó một đoàn cán bộ xã, làng đến nhà rồi cưỡng chế tháo chiếc giường mang đi. Tôi là người bình thường chứ không phải thần kinh. Làm gì có chuyện cả nhà có một cái giường, giữa mùa đông rét mướt lại nhờ làng đến mang đi. Tôi cũng không nói xấu chồng tôi như vậy”.

Chị Toàn nói rằng, đây là sự vu khống và bịa đặt trắng trợn. Chị sẽ yêu cầu tổ công tác đưa ra bằng chứng về lời nói của chị. Nếu chị không nói như vậy, yêu cầu tổ công tác phải hủy kết quả báo cáo trên. Bản báo cáo đã không đúng sự thật. “Đúng là sự vu khống có bài bản”, chị Toàn chua xót.

Cũng theo bản báo cáo: “Năm 2012, anh Tám (Đậu Văn Tám, SN 1973 –Pv) chồng bà Toàn đi làm ở miền Nam và bị chết (không rõ nguyên nhân), dân làng đã quyên góp tiền để chị Toàn vào Nam đưa mộ anh Tám về. Sau khi anh Tám chết,  nhân dân làng Thành Liên, chính quyền thôn, xã đã luôn quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ chị Toàn trong việc phát triển kinh tế gia đình”.

8.jpg
Chị Toàn nói rằng, việc "vu khống" của chính quyền địa phương là có tội với chồng chị

Nghe đến đây, chị Toàn không giữ được bình tĩnh. Chị Toàn đã gào khóc nức nở: “Chồng tôi chết trong khi không có giấy tờ tùy thân. Chồng tôi được chính quyền và nhân dân thành phố Quy Nhơn (Bình Định) chôn cất và ghi trên bia mộ là “mộ vô danh”. Vì nhiều lý do, trong đó có lý do về kinh tế, nên đến bây giờ mộ chồng tôi vẫn nằm tại Quy Nhơn. Năm nào tôi và người thân cũng phải vào đó để thắp hương cho cho chồng”.

Chị Toàn nói rằng: “Vì được thôn, xã quan tâm quá nên bây giờ họ cũng không biết mộ chồng tôi đang ở đâu. Thế mà dám nói dân làng đã góp tiền để tôi đưa mộ chồng về. Được sự quan tâm nên giờ 3 mẹ con tôi vẫn sống trong nghèo đói với cái danh là “hộ nghèo”. Mới đây, trên loa còn đọc nhà tôi được hỗ trợ tiền để xóa nhà tranh tre… Hỗ trợ bao giờ? Tôi sẽ phải làm rõ những vấn đề này”.

16.jpg
Mộ chồng chị Toàn đang nằm tại Quy Nhơn

Vì quá bức xúc với bản báo cáo mà theo chị Toàn là vu khống và bịa đặt. Suốt đêm 16 đến sáng ngày 17/8, chị Toàn đã thức để làm “Đơn đề nghị” gửi UBND huyện Nông Cống dài kín 4 trang giấy. Trong “Đơn đề nghị” chị Toàn một lần nữa khẳng định, bản báo cáo đã bịa đặt lời nói của chị. Bản báo cáo là nhằm “bao che tội lỗi”. Chị Toàn yêu cầu phải xem xét lại sau đó hủy bản báo cáo đó.

“Tôi tin rằng, nếu giải quyết theo đường lối này thì người dân muôn đời phải chịu áp lực, cưỡng chế… Tôi tha thiết yêu cầu, nhà nước pháp luật cấp trên giải quyết một cách đúng đắn, nghiêm minh”, cuối đơn chị Toàn viết.

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm