3 lưu ý với gia đình có con nhỏ ở chung cư

PV
24/09/2020 - 18:00
3 lưu ý với gia đình có con nhỏ ở chung cư

Ảnh minh họa

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo đưa ra về vấn đề đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ ở nhà chung cư, song nhiều vụ việc đau lòng vẫn xảy ra.

Tháng 8 vừa qua, tại chung cư 24T1 Hoàng Đạo Thúy (ngõ 248 Hoàng Ngân, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) đã xảy ra vụ tai nạn khiến bé gái 6 tuổi tử vong thương tâm. Theo đó, khoảng 9h, người dân nghe thấy tiếng động lạ dưới thềm chung cư 24T1. Mọi người chạy lại thì phát hiện một bé gái khoảng 6 tuổi tử vong. 

Kết quả điều tra cho thấy, nạn nhân sống tại tầng 12 của toà nhà. Cơ quan công an phường Trung Hòa xác định, bé bị rơi ngã xuống đất vì cửa sổ không có song sắt. Thời điểm xảy ra vụ việc, bố mẹ của bé không có ở nhà.

Không chỉ có vụ việc nêu trên, nhiều tai nạn đau lòng khác đã xảy ra cho thấy vấn đề đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ khi sống ở chung cư cao tầng chưa được quan tâm một cách đúng mức.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các căn hộ chung cư, nhiều phụ huynh chủ quan không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ. Các điểm nguy cơ nhất là ban công, cửa sổ phòng ngủ, hành lang, thậm chí là cửa thông gió nhà vệ sinh. Về nguyên tắc, các khu vực này đều phải bắn lưới an toàn nhưng nhiều phụ huynh lại thờ ơ hoặc cho rằng không nguy hiểm.

Tại một căn hộ ở khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội), chúng tôi ghi nhận giường ngủ của căn hộ được kê sát cửa sổ nhưng không làm lưới an toàn mà chỉ có cửa kính lùa. Ngoài ra, ban công căn hộ cũng không làm lưới an toàn. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đối với trẻ.

Hành lang tầng 2 của một chung cư khu đô thị Tây Nam Linh Đàm (Hà Nội) không có lưới an toàn, lại để ghế thang có thể khiến trẻ leo trèo dễ dàng

Hành lang tầng 2 của một chung cư khu đô thị Tây Nam Linh Đàm (Hà Nội) không có lưới an toàn, lại để ghế thang có thể khiến trẻ leo trèo dễ dàng

Cần hướng dẫn cho bé biết các khu vực nguy hiểm trong nhà

Theo các chuyên gia, chung cư cao tầng là kiến trúc nhà ở đặc biệt, được quản lý chặt chẽ từ khâu thiết kế đến khi xây dựng xong, bàn giao đưa vào sử dụng. Trung bình, mỗi chung cư có khoảng 100-200 hộ sinh sống, thậm chí có tòa lên đến gần 1.000 hộ. Về lý thuyết, tất cả công trình xây dựng trong đô thị, trong đó có nhà chung cư, đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định của Nhà nước.

Tuy nhiên, có một số khu vực của chung cư tưởng chừng như an toàn nhưng không an toàn. Ví dụ, cửa sổ các chung cư là cửa kính cường lực, không có song chắn. Lan can ở ban công thường cao từ 1,3m trở lên và không làm song ngang. Bởi lan can ban công làm song ngang thì vô tình giúp các em bé dễ leo trèo, chơi đùa sẽ gặp nguy hiểm. 

Nếu phụ huynh chủ quan, không làm thêm lưới an toàn cho ban công thì trẻ nhỏ hiếu động, khi cha mẹ vắng nhà, có thể bắc ghế trèo lên lan can. Trẻ bất cẩn, trượt chân có thể dẫn đến tai nạn. Do đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ, phụ huynh cần hướng dẫn cho bé biết các khu vực nguy hiểm trong nhà và hạn chế ra khu vực đó chơi.

Để ngăn ngừa tai nạn thương tích cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý:

- Đảm bảo rằng lan can (thanh chắn) ban công đáp ứng đủ các tiêu chuẩn hiện hành gồm: Cao hơn 1,3m, không có các khe hở nào rộng hơn 10-12,5cm, không có phần nào mà trẻ có thể dùng làm điểm tựa leo lên hoặc trèo qua ban công. Đồng thời, cần làm lưới an toàn cho khu vực lan can ban công để hạn chế nguy cơ tai nạn.

- Những vật dụng trẻ em có thể trèo lên hoặc đứng lên như bàn, ghế hoặc chậu cây cảnh nên được đặt tránh xa ban công, cửa sổ; không để bàn, ghế nhẹ tại bất kỳ nơi nào trên ban công, trẻ em có thể kéo những thứ này đến rìa ban công.

- Không cho trẻ chơi đùa ở ban công, dù ở nhà mình hay tới chơi ở nhà khác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm