Gia đình đa văn hoá Việt - Pakistan: Cả nhà nội tốt với con riêng, mẹ toàn quyền dạy con

Huyền Đỗ
10/09/2021 - 12:00
Gia đình đa văn hoá Việt - Pakistan: Cả nhà nội tốt với con riêng, mẹ toàn quyền dạy con
Chị Trang giờ đây viên mãn bên ông xã người Pakistan, nuôi dạy 2 con ở Nhật Bản.

Sau cuộc hôn nhân lần đầu đổ vỡ, hạnh phúc một lần nữa đến với chị Trang (37 tuổi, quê Lào Cai). Chị cùng con trai sang Nhật Bản sinh sống rồi tình cờ gặp gỡ anh Tallal Ahmed (36 tuổi, quốc tịch Pakistan) làm công việc kinh doanh. Trải qua thời gian tìm hiểu, chị Trang tái hôn và có thêm một cô con gái nhỏ với ông xã người Pakistan.

Cuộc sống gia đình đa văn hoá ở Nhật Bản gặp không ít khó khăn nhưng trên tất cả, người mẹ quê Lào Cai cảm thấy hạnh phúc khi chồng và gia đình bên nội luôn tôn trọng và đối xử rất tốt với mẹ con chị, không bao giờ phân biệt con chung - con riêng. Giờ đây, chị Trang viên mãn nuôi dạy 2 con là bé Zin và bé Miu, trải nghiệm những điều ít ai biết khi làm mẹ trong một gia đình Việt Nam - Pakistan.

Gia đình Việt Nam - Pakistan hiện đang sinh sống tại Nhật Bản.

Chị Trang chia sẻ, lần đầu chị làm mẹ là vào năm 2007 - cậu bé Zin chào đời. Đến tận bây giờ, chị vẫn còn nhớ như in cảm giác khi ấy: "Mình vật vã vì đau đẻ nhưng khi con chào đời, bao đau đớn tự nhiên biến mất hết. Lạ lùng lắm". Hạnh phúc đón nhận thiên chức mới nhưng hôn nhân không trọn vẹn, chị ly hôn chồng cũ và một mình nuôi dạy con trai. Sau này chị Trang có công việc ở Nhật Bản nên đưa con xuất ngoại, vừa đi làm, vừa chăm sóc bé Zin.

Chia sẻ về khoảng thời gian mới sang Nhật, chị Trang cho biết: "Vì mình có công việc đủ lo kinh tế cho 2 mẹ con nên không cảm thấy khó khăn lắm. Dù vậy, có mỗi 2 mẹ con ở đất khách quê người nên cũng khá buồn, mình phải học và thích nghi nhiều". Thời gian đầu vì chưa có bằng lái xe nên hàng ngày chị Trang đều đưa đón con đi học bằng xe đạp, bất kể ngày hè nắng gắt hay mùa đông tuyết phủ trắng xoá, đường trơn trượt và lạnh giá. "Mình cứ đạp xe và chở Zin ở phía sau. Những lúc như vậy, mình thấy thương con nhiều lắm. Sau này, mình cố gắng thi đỗ bằng lái xe nên cả mẹ và con đều đỡ vất vả hơn", người mẹ quê Lào Cai tâm sự.

Trước khi tái hôn với ông xã người Pakistan, chị Trang làm mẹ đơn thân, một mình nuôi dạy con trai ở Nhật.

Sau 2 năm cùng con trai sống ở nước ngoài thì chị Trang tình cờ gặp gỡ anh Tallal Ahmed. Chị bị sự chân thành và tử tế của người đàn ông Pakistan chinh phục. "Khi mới quen, những lần gặp nhau, ông xã đều hỏi thăm và trò chuyện với con trai mình rất vui vẻ, quan tâm, thân thiện, không hề giữ khoảng cách". Nhờ vậy mà chị Trang không bao giờ cảm thấy áp lực vì là mẹ đơn thân.

Chị trở thành cầu nối giữa con trai và người mình yêu. Có thời gian rảnh là 3 người lại cùng đi chơi, chị Trang thường để ông xã và con trai có thời gian ở riêng với nhau, bồi đắp tình cảm. Có lẽ vì cùng là con trai, lại hợp gu và có chung sở thích là những trò cảm giác mạnh nên 2 người trở nên thân thiết rất nhanh. "Nhiều lúc mình cảm thấy như là người ngoài cuộc (cười)", chị Trang chia sẻ.

Đến tận bây giờ, sau nhiều năm chung sống và có thêm một người con gái, ông xã chị Trang vẫn giữ mối quan hệ khăng khít với con trai của vợ. Chị Trang cho biết, chồng không bao giờ phân biệt con chung hay con riêng. Nhiều lúc nóng giận vì cãi nhau, chị Trang có nói: "Con em thì em tự nuôi, không cần ai". Khi đó anh Tallal sẽ trở nên nghiêm túc và tức giận: "Anh chưa bao giờ nghĩ vậy, Zin cũng là con anh, tại sao em cứ phân biệt như thế?".

Ông xã và con riêng của chị Trang có mối quan hệ thân thiết, không phân biệt con chung - con riêng.

Điều làm chị Trang cảm động nhất là ông xã không chỉ nói suông mà luôn chứng minh bằng hành động thực tế. Hàng ngày, anh đều chủ động bắt chuyện và chơi với con, quan tâm đến cảm xúc của cậu bé đang trong độ tuổi mới lớn. Anh Tallal hay hỏi con thích ăn gì, muốn đi đâu hay ở trường có bị ai bắt nạt không, nếu có nhất định phải nói cho bố biết. Khi đi làm về, anh thường tìm và ôm hôn 2 con trước tiên chứ không ôm vợ làm chị Trang vừa thấy thương, vừa hơi ghen tỵ. Trẻ con nhạy cảm nhưng tinh ý, cảm nhận được tình cảm chân thành từ bố dượng nên bé Zin không ngại mở lòng và rất thân thiết với anh Tallal.

Gia đình bên nội cũng đối xử rất tốt với bé Zin, làm chị Trang cảm thấy may mắn và ấm áp. Khi sang Pakistan, mẹ chồng chị luôn chuẩn bị phần ăn riêng vì biết 2 mẹ con không ăn được đồ cay. Ông bà luôn dậy sớm nhất nhà, hỏi thăm Zin rồi gọi các cháu đến chơi với cậu bé. Chỉ cần biết chị Trang cần gì, bố mẹ chồng sẽ tìm mua ngay và thường xuyên gửi quà sang Nhật cho cả gia đình. "Mình cảm thấy may mắn vì bố mẹ chồng tình cảm, quan tâm và tôn trọng cả con riêng của mình", người mẹ 2 con thổ lộ.

Lần đầu đến Pakistan, mẹ con chị Trang được gia đình bên nội tiếp đón nồng hậu.

Trước khi kết hôn với anh Tallal, suy nghĩ của chị Trang về Pakistan là một đất nước khá khắt khe với phụ nữ. Tuy nhiên sau khi lấy chồng, tìm hiểu thêm thì chị nhận ra trong mỗi gia đình Pakistan, vai trò của người phụ nữ, cụ thể là những người mẹ là vô cùng quan trọng. Họ vừa đối ngoại, đối nội với họ hàng 2 bên, vừa chịu trách nhiệm nuôi dạy con. Chị Trang cảm thấy rất ấn tượng về gia đình chồng khi tất cả anh em trong nhà đều thân thiết với mẹ, nói chuyện với mẹ rất nhiều, luôn tâm sự và hỏi ý kiến mẹ. Điều này phần nào phản ánh được vai trò của người phụ nữ trong gia đình. 

Ở nhà, chị Trang toàn quyết quyền định về vấn đề nuôi dạy con và ông xã đều tôn trọng những ý kiến ấy. "Vì văn hoá khác nhau nên ở Pakistan, tất cả việc nuôi dạy con cái đều do mẹ và bố chỉ đi làm kiếm tiền thôi. Anh ấy lớn lên trong một gia đình như thế nên cũng không biết làm việc nhà hay dạy con nhiều như mình", chị Trang cho biết thêm.

Ở nhà chị Trang toàn quyền quyết định chuyện nuôi dạy con.

Thời gian đầu, người mẹ quê Lào Cai cảm thấy khá áp lực vì phải cáng đáng hết việc nhà lẫn việc chăm con. Tuy nhiên chị cũng thấu hiểu cho chồng và tập làm quen: "Thôi thì mình cứ chia ra, anh ấy lo kinh tế, mình lo việc nhà. Ai cũng vất vả nhưng cùng cố gắng thì mọi thứ sẽ ổn".

Bù lại, ông xã chị Trang sẽ chịu trách nhiệm chơi với con, cùng các nhóc tỳ bày ra những trò nghịch ngợm để chia sẻ gánh nặng với vợ. Bố cũng là người chiều con hơn, chỉ cần các con muốn mua gì hoặc hơi mè nheo một chút là bố sẽ xiêu lòng, còn chị Trang gần như đóng vai "dữ" để phân rõ các giới hạn, kể cả khi con ăn vạ thì mẹ vẫn nghiêm khắc. 

Gia đình chị Trang thường cùng nhau đi du lịch.

Hiện tại, chị Trang cảm thấy hài lòng với cuộc sống của gia đình mình ở Nhật. Chị chăm chút cho con trai đang học cấp 2 và con gái ở độ tuổi mẫu giáo, vun vén tổ ấm nhỏ. Bố là người Pakistan, mẹ là người Việt nhưng các thành viên chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Nhật. Thỉnh thoảng chị sẽ nói tiếng Việt với 2 con và ông xã cũng rất hào hứng học theo các nhóc tỳ gọi mẹ. Chị Trang miêu tả: "Anh ấy kéo dài giọng gọi mẹ nghe như tiếng dê con kêu vậy đó".

Thời gian rảnh, cả nhà sẽ cùng nhau đi ăn, đi chơi để thay đổi không khí và thư giãn. Ngoài ra, chị cũng lập kênh Youtube chia sẻ về gia đình, vừa để lưu giữ những kỷ niệm đáng quý hàng ngày của con các con. "Bây giờ nàng Miu là fan cứng của kênh vì ngày nào bạn ấy cũng tự xem video một cách thích thú và hay kể lại các chi tiết cho mẹ nghe", người mẹ quê Lào Cai hào hứng chia sẻ.

Con gái chị Trang đáng yêu và lém lỉnh, thừa hưởng nét đẹp lai của cả bố và mẹ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm