Gia đình là “tổ ấm” hay “nhà trọ” tập thể của những người thân thiết?

N.M
04/07/2020 - 07:58
Gia đình là “tổ ấm” hay “nhà trọ” tập thể của những người thân thiết?

Ảnh minh họa

Thực tế đáng buồn trong nhiều gia đình hiện nay là các thành viên trở thành “người lạ” khi không ai có nhu cầu giao tiếp với nhau mà chỉ "chúi" mắt vào điện thoại.

Tại cuộc nói chuyện với cán bộ, nhân viên cơ quan TƯ Hội LHPN Việt Nam trong Hội nghị chuyên đề "Xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình thời 4.0" mới đây, ThS. CVCC Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ gia đình, Bộ VHTT&DL, trăn trở: Ảnh hưởng của công nghệ thông tin đã khiến gia đình có còn là "tổ ấm" hay là "nhà trọ" tập thể của những người thân ruột thịt?

Gia đình là “tổ ấm” hay “nhà trọ” tập thể của những người thân thiết? - Ảnh 1.

Ths Hoa Hữu Vân: Gia đình có còn là “tổ ấm” hay là “nhà trọ” tập thể của những người thân thiết?

Theo ThS. Hoa Hữu Vân, có nhiều thứ đã và đang rình rập và đánh cắp hạnh phúc gia đình hiện nay.  Do nhịp sống ngày càng hối hả, mối quan hệ trong gia đình ngày càng lỏng lẻo. Người lớn lao vào việc học và mưu sinh, con trẻ lao vào cuộc đua học đủ mọi thứ để sau này tồn tại với đời. Thời gian dành cho gia đình vốn đã eo hẹp thì ở thời đại 4.0 ngày càng eo hẹp. Các thành viên ít giao tiếp, trò chuyện trực tiếp với nhau đã tước đoạt khoảnh khắc yêu thương trong gia đình.

Thế mới có chuyện, một bé gái 10 tuổi đã ước: Em ước trong năm mới cha em sẽ ốm suốt đời. "Bố em bận lắm, có khi cả tháng em không được gặp bố. Mới đây, bố bị ốm nên không phải đi làm. 3 ngày ở nhà, bố đều đưa em đi học. Học đến lớp 3, lần đầu tiên em mới có cơ hội được bố dắt tay đến trường. Khi bố dắt tay em vào cửa lớp, em đợi các bạn đến để khoe "Bố tớ đấy!".

Cả 3 lần bố đón em từ trường về, bố không đưa về nhà ngay mà bố đưa em đi chơi, ăn đủ mọi món. Bố đưa em vào quán và gọi mẹ đến. Lâu lắm, cả nhà mới được ăn cùng nhau. Bố ốm mà em sướng thế. Nếu bố không ốm thì bố suốt ngày chỉ đi làm, đi công tác, không có thời gian dành cho em. Thế nên, em chỉ mong bố ốm".

Gia đình- “nhà trọ” tập thể của những người thân thiết - Ảnh 2.

Các thành viên trở thành “người lạ” khi không ai có nhu cầu giao tiếp với nhau mà chỉ "chúi" mắt vào điện thoại. Ảnh minh họa

Hay câu chuyện về ông lão ở quê mang điện thoại đi sửa cũng là thực trạng buồn trong xã hội ngày nay. Khi mang điện thoại đi sửa, thợ sửa điện thoại kiểm tra rất kỹ nhưng không tìm ra lỗi gì. Chiếc điện thoại vẫn sử dụng bình thường, vẫn nghe gọi tốt. Thì ra, vì rất lâu không thấy cậu con trai gọi điện về cho mình nên ông tưởng do điện thoại hỏng chứ không phải do con trai ông vì bận việc mà quên mất bố.

Câu chuyện về cậu bé 5 tuổi ước biến thành chiếc điện thoại cũng là "ước mơ" của nhiều đứa trẻ hiện nay. Bởi, chỉ là điện thoại, chúng mới được ở bên cạnh mẹ, mới được mẹ đưa đi khắp mọi nơi, mới được mẹ nói chuyện, mới được mẹ cười. Còn với cậu bé: "Buổi tối, con muốn mẹ gãi lưng, con muốn mẹ chơi cùng nhưng mẹ gạt con ra, mẹ lấy điện thoại ra để cười với điện thoại".

Gia đình- “nhà trọ” tập thể của những người thân thiết - Ảnh 3.

Nhiều đứa trẻ ước trở thành điện thoại để được bố mẹ nói chuyện cùng, cười cùng. Ảnh minh họa

Những câu chuyện trên rất phổ biến trong các gia đình. Đó là thực trạng, chúng ta ở cạnh nhau nhưng chúng ta không quen nhau. Vì ở bên cạnh nhau nhưng không ai nói chuyện với ai. Ai cũng mải mê với chiếc điện thoại của mình. Mỗi người có một thế giới riêng độc lập, tách biệt.

Cũng vì bố mẹ muốn "rảnh tay" sử dụng điện thoại nên bố mẹ cũng ấn cho con điện thoại, ipad. Những đứa trẻ suốt ngày chúi mắt vào điện thoại, kể cả trong bữa ăn, đến tận lúc đi ngủ. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm cho trẻ em. Điện thoại chính là tác nhân phá hoại hạnh phúc gia đình.

"Mọi người tuy không "xa mặt" mà lại "cách lòng". Ai cũng muốn nhanh quay về "tổ kén" của mình với một chiếc máy tính, 1 chiếc smartphone có kết nối mạng. Tiền có thể kiếm lại, công việc có thể thay đổi. Duy chỉ có tuổi thơ của con trẻ, tuổi già của cha mẹ không bao giờ tìm lại được. Hãy dành thời gian cho con và thời gian cho cha mẹ khi còn có thể để "hạnh phúc không tự vỗ cánh bay đi". Chúng ta đang trở thành khách trọ, cô đơn trong chính tổ ấm của mình", ông Hoa Hữu Vân cảnh báo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm