Giả dốt tôn con làm ‘thầy’ - chiêu hay giúp con ham học

29/03/2018 - 20:15
Trong khi nhiều cha mẹ thường xuyên thể hiện với con rằng, mình luôn đúng, mình giỏi… thì chị Hoàng Thảo Ngọc (Đống Đa, Hà Nội) lại không ít lần tỏ ra “ngu ngơ” để con làm “thầy” của mẹ.
day-con-hoc1.jpg
Chị Ngọc tỏ ra ngu ngơ để nhờ con gái giảng bài. Ảnh minh họa

Ngó vào sách toán lớp 4 của con, không ít lần chị Hoàng Thủy Ngọc (Đống Đa, Hà Nội) kêu lên: Bài này khó quá, thực sự mẹ không biết cách giải. Sao bây giờ nhiều bài khó thật đấy. Con có biết cách làm không thì giảng cho mẹ với!

Nghe mẹ nói thế, cô con gái chép miệng bảo: Con tưởng người lớn như mẹ thì cái gì cũng biết chứ, nhất là nghề của mẹ! Bài này mẹ không biết à? Cũng khó đấy, để con nghĩ cách giải rồi giảng cho mẹ vậy…

Cô bé vốn lười tư duy định nhờ mẹ làm hộ tự nhiên được giao trách nhiệm lớn lao liền ngồi nghĩ cách giải. Sau một hồi thì cô bé giảng cho mẹ say sưa. Mẹ gật gù tỏ ra rất hiểu những lời con giảng. Cô con gái cảm thấy rất hãnh diện khi có lúc được làm “thầy” của mẹ.

Đây là một trong những cách mà chị Ngọc thỉnh thoảng áp dụng với con. Chị Ngọc cho biết, con gái chị vốn không hứng thú nhiều với những bài tập Toán. Thế nên, thỉnh thoảng, con “trốn” làm bài và thường xuyên không chịu tư duy những bài tập Toán có lời giải. Chính vì vậy, chị dùng chiêu “mẹ không biết” để tôn con lên, để con có niềm tin rằng mình có khả năng, mình cũng giỏi đấy chứ, ít nhất là… giỏi toán hơn mẹ.

Tất nhiên, ban đầu chị giả đò không biết một số bài tập dễ mà con có thể làm được. Dần dần, chị tăng cấp độ bài khó lên để con tự làm rồi giảng cho mẹ. Nhưng chị không sử dụng “chiêu” này thường xuyên vì dễ bị con lật tẩy. Chỉ khi nào con lười suy nghĩ, định không làm thì chị mới than thở: Úi bài toán này khó thật đấy, mẹ nhìn mà chẳng hiểu gì cả. Làm như thế nào hử con?… Và con gái lại “trúng bẫy” của mẹ.

daycon-hoc-2.jpg
Bố mẹ càng tỏ ra hoàn hảo trước mặt con thì con sẽ càng xa cách. Ảnh minh họa

Không nhiều bố mẹ thừa nhận mình dốt trước mặt con vì như thế sẽ mất… oai. Thực tế, có không ít ông bố bà mẹ luôn tỏ ra mình giỏi hơn con, cái gì mình cũng biết và không bao giờ nhận mình kém cỏi. Họ cho rằng, nếu như thế thì không bao giờ dạy được con hoặc dạy thì con sẽ không nghe. Thậm chí, khi có những ứng xử không đúng với con, dù biết là sai họ cũng không dám xin lỗi con. Bởi, với những bố mẹ luôn đứng trên cao vời vợi so với con, xin lỗi thì sợ con coi thường, nghĩ rằng bố mẹ kém cỏi và bố mẹ thì phải giữ cái thế của mình.

Các bố mẹ không biết rằng, khi những đứa trẻ phải sống với bố mẹ luôn cho rằng mình giỏi, mình hoàn hảo sẽ vô cùng ức chế. Bởi, những đứa trẻ sẽ cảm thấy tự ti khi cho rằng bố mẹ giỏi mà mình lại ngu ngốc. Chúng cũng sẽ giữ khoảng cách xa vời vợi với bố mẹ tài giỏi của mình vì sợ nói gì bố mẹ cũng cho là sai, cũng bị chỉnh sửa.

Đứa trẻ nào mà chẳng mắc lỗi, không lỗi nọ thì lỗi kia. Chúng chẳng dại gì mà “thú tội” với bố mẹ hoàn hảo của mình vì biết chắc chắn sẽ bị nghe mắng chửi, xỉ vả...

Cách của chị Ngọc là không làm bố mẹ hoàn hảo, đôi khi đứng thấp hơn con để tôn con lên. Cách này sẽ khiến con tự tin, có động lực, tiến bộ hơn. Hơn nữa, con còn thấy mẹ thật gần gũi vì mẹ cũng có những điểm yếu, sai sót giống mình. Vì vậy, con sẽ dễ dàng chia sẻ với mẹ nhiều chuyện của mình hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm