pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gia sư thời 4.0 trải lòng
Công việc gia sư được nhiều sinh viên lựa chọn làm thêm.
Việc làm gia sư hiện nay thu hút một lượng lớn sinh viên tại TPHCM cũng như các thành phố lớn tham gia. Bởi lẽ, công việc gia sư không chỉ giúp các sinh viên, các bạn trẻ có thêm một phần thu nhập mà còn có những "trải nghiệm" quý giá khi làm giáo viên- một nghề cao quý trong xã hội. Thông qua công việc gia sư, các bạn trẻ còn tích lũy kỹ năng cần thiết để sau khi rời giảng đường đại học sẽ có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm.
Hồ Quốc Hùng, sinh viên năm 3, Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã có nhiều năm kinh nghiệm làm gia sư, cho biết: "Từ lúc bắt đầu sứ mệnh 'gia sư' của mình, em hiểu được điều quan trọng không chỉ là kiến thức mà còn là sự tương tác, kích thích sự tò mò và yêu thích học hỏi ở học sinh. Vì bản thân là người trẻ nên ít nhiều em cũng hiểu được trẻ em thời nay thích những xu hướng nào, trào lưu, nhóm nhạc nào… Trong quá trình dạy học, em sẽ có thêm những lúc trò chuyện để trẻ tương tác. Từng cuộc trò chuyện với học sinh giúp em thấu hiểu những khó khăn mà các bạn đối mặt. Bản thân em cũng học được cách điều chỉnh, cải tiến phương pháp giảng dạy của mình. Em luôn tin rằng hiệu quả thực sự trong việc học chỉ đến khi chúng ta vượt qua giới hạn của những trang sách".
Trần Ngọc Kim Chi, sinh viên trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng đang tham gia làm công việc gia sư cho 3 học sinh tiểu học. Kim Chi cảm nhận rằng công việc gia sư khá phù hợp với sinh viên. Công việc này giúp em vận dụng được những kiến thức học được để dạy lại cho trẻ nhỏ. Đồng thời, Kim Chi có những giây phút "trải nghiệm" làm cô giáo, là cách em tập dượt cho ngành nghề trong tương lai.
"Em có dạy một học sinh lớp 3. Ban đầu, học sinh này rất ít tập trung trong việc học tập, mỗi khi đến dạy em rất lo lắng. Nhưng sau thời gian tiếp xúc, em tìm được phương pháp kèm riêng. Bên cạnh cách dạy truyền thống thông qua sách vở, em còn cho cho bé vừa học vừa chơi. Em dùng các trò chơi học tập trên điện thoại cho bé tiếp cận, thông qua các trò chơi bé sẽ học được nhiều kiến thức hay. Nhờ vậy, bé đã chịu học và bắt đầu có những tiến bộ trong học tập", Chi tâm sự.
Còn Phan Thanh, sinh viên trường ĐH Y Dược TPHCM chia sẻ: "Công việc gia sư không chỉ đòi hỏi một lượng kiến thức sâu rộng mà đòi hỏi sự đam mê, lòng nhiệt huyết trong việc truyền đạt kiến thức. Em từng dạy một trẻ khá nghịch ngợm. Phụ huynh phải đổi gia sư nhiều lần. Thời gian đầu, học sinh đó từ chối sự kèm cặp của em. Có hôm còn đóng cửa phòng không cho em vô dạy. Càng khó thì em càng kiên nhẫn. Sau này, em phát hiện ra học sinh rất thích một nhóm nhạc của Hàn Quốc và rất thích âm nhạc. Vậy nên, trong quá trình dạy, em còn trò chuyện về nhóm nhạc đó nay đi diễn ở đâu, có những sản phẩm gì mới bán ra thị trường, mua được ở đâu. Em đi dạy với tâm thế như một người chị lớn trong nhà, tạo được sự gần gũi, chân tình. Sau khi tạo được sự gắn kết thì học sinh sẽ có hứng thú học tập hơn".
Gia sư là công việc làm thêm mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều sinh viên, mức thù lao trung bình từ 60.000 đến 250.000 đồng/giờ, tùy theo khả năng của từng gia sư và năng lực của học sinh nhận dạy kèm.
Công việc gia sư trong thời đại 4.0 đòi hỏi các sinh viên có nhiều kỹ năng hơn trước rất nhiều, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin. Ông Lê Nguyễn Ngọc Linh, Công ty gia sư eTeacher (TPHCM) phân tích: Gia sư thời trước sẽ không áp dụng nhiều công nghệ. Phương pháp dạy học chủ yếu là học trên giấy, bảng. Vì vậy đối với các môn sinh động như Lý - Hóa.... thường sẽ gây khó khăn cho các bé. Còn hiện nay, các gia sư có thể áp dụng triệt để các phần mềm, ứng dụng, giúp học sinh của mình hứng thú trong học tập hơn. Mạng xã hội cũng là kênh giao tiếp nhanh chóng giữa phụ huynh và gia sư để cùng nhau hiểu hơn về trẻ. Hơn nữa, các phương pháp học như VAK, Pomodoro... đã được các bạn gia sư ứng dụng rất tốt mang lại hiệu quả lớn trong việc dạy.
Gia sư không chỉ đơn thuần là người truyền đạt kiến thức mà còn là cầu nối giữa hai thế hệ, đóng vai trò là trung gian hòa giải, là trung bình cộng của hai thế hệ đối lập là phụ huynh và học sinh. Ngoài kiến thức thì gia sư thời 4.0 còn phải học các kỹ năng giải quyết những bất đồng giữa phụ huynh và trẻ, học cách nắm bắt tâm lý trẻ, các xu hướng, các trò chơi, bài hát yêu thích của trẻ trên mạng.