Rất nhiều khách hàng sử dụng ứng dụng Grab Taxi nhận xét, giá cước của hãng này trong khoảng 2 tháng trở lại đây đã điều chỉnh tăng đáng kể, mức tăng phổ biến vào khoảng 20-30%. Đặc biệt, vào lúc cao điểm như mưa lớn, giờ tan tầm, giá cước có khi tăng từ 200-300%.
2 tháng sau thương vụ mua lại Uber, Grab đang dần mất đi hình tượng một hãng taxi công nghệ giá rẻ, thân thiện với người tiêu dùng Việt.
Chị Ngọc (32 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi đặt Grab để di chuyển quãng đường từ Mỹ Đình đến Kim Liên thì được hãng thông báo cước phí hết 80.000 đồng trong khi giá taxi truyền thống dao động khoảng 75 - 90.000 đồng tùy từng hãng. Như vậy, giá cước taxi Grab đã tăng ngang ngửa so tới taxi truyền thống".
Chị Ngọc có hai con nhỏ nên mấy năm gần đây, chị chọn Grab là phương tiện di chuyển hàng ngày của mình. Vì sử dụng dịch vụ nhiều, chị được xếp hạng khách hàng "vip" của Grab và thường xuyên có mã khuyến mại. Chị tính toán: "Nếu có mã khuyến mại, mình sẽ được giảm khoảng 20 - 30.000 đồng/chuyến. Bây giờ chỉ có mã khuyến mại thì mình mới đi Grab, còn không mình sẽ lựa chọn phương tiện khác vì Grab không khuyến mại thì giá không còn rẻ như trước nữa".
Cũng như chị Ngọc, chị Mỹ Hạnh (khu tập thể Trung Tự, Hà Nội) phân tích: "Thứ nhất, Grab tăng giá giờ cao điểm như mưa, giờ tan tầm..., có khi tăng đến 200 - 300% mà không báo trước, như vậy là không tôn trọng khách hàng, lợi dụng niềm tin sẵn có của khách hàng. Thứ hai, Grab còn tính phí khách hàng khi khách hàng có việc đột xuất, hủy chuyến. Grab lý luận là khách hàng không được hủy chuyến vì tài xế đã nhận yêu cầu và đang di chuyển đến đón khách. Nhưng thử hỏi, nếu khách hàng chờ 15 - 30 phút mà tài xế vẫn chưa đến đón do tắc đường, do không tìm được địa điểm... thì liệu khách đang có việc gấp có thể chờ được không? Có lần tôi đứng ở đường An Trạch - một tuyến đường mới mở gần Nhạc viện Hà Nội, tôi gọi xe mà tài xế ở rất gần đó nhưng không thể đến đón tôi vì không biết đường đó, lại chót rẽ vào khu chợ dân sinh nên tắc đường không ra được, tôi buộc phải hủy chuyến và gọi xe khác. Khách không chờ được thì đương nhiên phải hủy chuyến thôi, mà hủy chuyến lại bị tính phí.
Vì thế, nếu hôm nào có mã giảm giá thì tôi mới chọn Grab, nếu không, tôi chọn taxi truyền thống vì sau khi gọi điện cho tổng đài, tôi nhận được tin nhắn sms của tổng đài báo biển số xe, số điện thoại tài xế, khi xe đến nơi, tổng đài còn gọi điện thoại cho tôi nhắn xe đã đến đón, tôi thấy mình được tôn trọng. Lâu rồi, tôi cũng không có thói quen giới thiệu Grab cho bạn bè để được giảm giá nữa".
Từ 8/4, Uber chính thức chia tay Việt Nam và các thị trường Đông Nam Á khi bán lại mảng kinh doanh cho Grab. Sự ra đi của Uber khiến nhiều chuyên gia lo ngại, Grab sẽ dễ dàng thao túng và đưa ra mức giá có lợi cho mình.
Tại thời điểm đó, ông Trần Bằng Việt, chuyên gia chiến lược doanh nghiệp, CEO Dong A Solutions, nguyên Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu (JCI) tại Việt Nam, từng dự báo Grab sẽ tăng giá và “neo” giá ở mức thấp hơn taxi truyền thống 5% sau khi mua Uber.
Còn ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc hợp tác xã vận tải Toàn Cầu, dự đoán, Grab sẽ không chọn mức tăng 5-10% mà sẽ cao hơn, ở 30-40%.
Trước đó, ông Jerry Lim, giám đốc Grab Taxi Việt Nam cho biết, hãng Grab đã tăng cước phí các dịch vụ vận chuyển từ năm 2017 do giá xăng tăng liên tục, như năm 2017 giá xăng đã tăng 6 lần. "Chúng tôi tăng cước là để công bằng với các đối tác vì tài xế than phiền giá xăng tăng nhưng cước vẫn không thay đổi".
PNVN đã liên hệ với đại diện Grab Taxi tại Việt Nam, hy vọng sẽ có câu trả lời chính xác đến độc giả và người tiêu dùng.