pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giá thịt lợn tăng cao, hãy thuộc lòng 4 điểm sau để nhận biết rõ thịt lợn sạch và thịt lợn nuôi công nghiệp
Hiện nay, giá thịt lợn hơi đã tăng lên 100 ngàn đồng/kg khiến thịt lợn bán tại các chợ dân sinh cũng buộc phải tăng giá theo.
Mua 1 kg thịt lợn nạc vai, thịt ba chỉ thời điểm này, người tiêu dùng cũng phải bỏ ra số tiền không nhỏ khoảng 170-180 ngàn đồng/kg.
Mức giá này tăng khoảng 40-50 ngàn đồng so với mức khi lợn chưa tăng giá.
Chính bởi thế, đi chợ trong thời điểm giá thịt lợn quá đắt, bà nội trợ phải tinh ý. Bởi nhiều tiểu thương có thể áp dụng các mánh lới bán hàng như cân thiếu, trà trộn bán thịt lợn nuôi công nghiệp nhưng cứ quảng cáo là thịt lợn sạch hoặc bán thịt lợn ôi ế ẩm… nhằm kiếm lợi nhuận.
Để giúp bà nội trợ có thể phân biệt rõ được thịt lợn sạch và thịt lợn nuôi công nghiệp, chọn đúng loại thịt lợn tươi ngon khi đi chợ hiện nay, chị Đào Oanh, một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Trung Văn, Hà Nội cho biết: "Mặc dù thịt lợn là một trong những thực phẩm có mặt thường xuyên trong bữa cơm hàng ngày của nhiều gia đình Việt. Song nhiều bà nội trợ vẫn chưa biết cách chọn thịt lợn tươi ngon và đúng chuẩn thịt lợn nuôi. Thậm chí, nhiều lúc, họ mua phải những miếng thịt ôi thiu hoặc những miếng thịt nuôi công nghiệp. Tuy nhiên, phân biệt 2 loại thịt này không hề khó. Chỉ cần bà nội trợ để ý hơn khi đi chợ là sẽ nhận ra".
1. Trọng lượng của lợn sạch nhỏ hơn lợn công nghiệp
Theo chị Đào Oanh, thịt lợn sạch là thịt lợn không được nuôi bằng cám tăng trọng cũng như không bị tiêm thuốc tạo nạc. Những chú lợn nuôi tại gia này thường chỉ ăn thức ăn từ cám ngô, cám gạo chứ không ăn cám tăng trọng như thịt lợn công nghiệp. Những con lợn sạch thường chỉ 50-60kg, có ít con lên đến cả tạ.
Ngược lại những chú lớn công nghiệp do được ăn cám tăng trọng nên có trọng lượng lớn hơn hẳn gấp rưỡi hoặc gấp đôi lợn nuôi và chỉ được nuôi trong thời gian ngắn.
2. Thịt lợn nuôi có màu hơi hồng, mỡ trắng, thịt công nghiệp có màu đỏ, nhìn toàn nạc
Theo kinh nghiệm của tiểu thương bán thịt lợn lâu năm này, thịt lợn nuôi có màu hơi hồng, nhìn thịt thấy cả nạc và mỡ chứ không đỏ rực, nhìn toàn thấy thịt nạc như thịt nuôi công nghiệp.
"Đặc biệt, mỡ và bì của thịt lợn nuôi dày, mỡ trắng phau, khối thịt rắn chắc. Còn thịt nuôi công nghiệp da có độ căng khác thường, trương mỏng, có cảm giác như ứ nước bên trong. Chúng có phần nạc gần sát với da, nhiều cục nạc u lên, mỡ ít, thịt màu đỏ như thịt bò".
3. Thịt lợn nuôi khi thái mềm, thịt công nghiệp miếng thịt thái cứng
Một lưu ý nữa đó chính là khi thái miếng thịt lợn nuôi, nếu để ý bà nội trợ sẽ thấy miếng thịt mềm, không đứng thẳng được. Còn thịt công nghiệp thường cứng hơn.
4. Nước luộc thịt lợn sạch trong, thịt công nghiệp nước có váng bẩn
Khi chế biến 2 loại thịt này, chị Oanh cho biết, thịt lợn sạch khi luộc nước rất trong, không có váng bẩn. Khi rang không ra nhiều nước, thịt nở ra, không sủi váng, có mùi thơm, thớ thịt nhỏ, thời gian chế biến nhanh hơn.
Ngược lại, thịt lợn công nghiệp khi luộc nước có nhiều váng bẩn nổi lên, canh có mầu hơi đục, mùi vị hôi. Khi rang ra rất nhiều nước, thịt bị óp đi.
Một lưu ý nữa khi mua thịt lợn thời điểm này, chị Đào Oanh cũng đặc biệt lưu ý bà nội trợ phải để ý đó chính là cảnh giác với thịt lợn ôi: "Nhiều tiểu thương bán hàng ế ẩm nên có thể tồn thịt lợn đã bị ôi. Để đánh lừa cảm quan người tiêu dùng là thịt vẫn còn tươi, họ có thể pha phẩm màu với máu lợn để thoa vào miếng thịt cho thịt đẹp như thịt tươi. Loại thịt này khi rửa sẽ chuyển màu nhợt và có mùi tanh rất. Khi cắt sâu vào bên trong, thịt khá nhũn, chảy dịch, có mùi, có độ đàn hồi kém. Vì thế bà nội trợ phải lưu ý", chị Oanh khuyến cáo.