pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giá thịt lợn tăng sau bão, cổ phiếu nhóm chăn nuôi tăng khi thị trường chứng khoán giảm
Thị trường heo hơi tăng giá, cổ phiếu nhóm chăn nuôi đón sóng từ đâu?. Ảnh minh hoạ
Điểm sáng của cổ phiếu ngành chăn nuôi
Ghi nhận những ngày qua, sau cơn bão số 3 (bão Yagi), giá thịt heo hơi tại các tỉnh thành đồng loạt tăng giá và duy trì diễn biến này tới nay.
Cụ thể tại miền Bắc, giá heo hơi ở Hà Nội tiếp tục giữ 67.000 đồng/kg, đây là mức giá cao nhất khu vực. Các tỉnh thành còn lại có mức giá phổ biến ở 65.000 - 66.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá heo hơi tăng nhẹ, lên 1.000 đồng, mức giá khoảng 63.000 đồng/kg. Còn tại miền Nam, mức giá giao dịch trong khoảng 62.000 - 65.000 đồng/kg.
Trước diễn biến tích cực tại thị trường heo hơi toàn quốc, nhóm cổ phiếu chăn nuôi nhanh chóng hưởng lợi, "đón sóng".
Điển hình với cổ phiếu DBC (Tập đoàn Dabaco Việt Nam, HOSE) xuất hiện đà tăng ngay phiên đầu tuần nay, ngược dòng với chiều hướng giảm mạnh của thị trường.
Thị giá cổ phiếu vượt ngưỡng 29.000 đồng/cp, tăng nhẹ 0,34%, lên mức giá 29.250 đồng/cp trong phiên hôm nay (12/9).
Trong 6 tháng đầu năm nay, DBC ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh với lợi nhuận sau thuế đạt 218 tỷ đồng, tăng gấp 35,7 lần so với cùng kỳ năm trước là 6,1 tỷ đồng.
Tương tự, cổ phiếu PAN (Tập đoàn Pan, HOSE) cũng duy trì đà tăng từ đầu tuần, vượt lên vùng giá 23.000 đồng/cp. Mặc dù, kết thúc phiên hôm nay, PAN duy trì trạng thái đi ngang ở mức giá là 23.500 đồng/cp, song, đây là kết quả của đà tăng mạnh từ đầu tuần tới nay là 4,7%.
BAF (Nông nghiệp BAF Việt Nam, HOSE) tăng mạnh từ 17.750 đồng/cp lên 19.250 đồng/cp, tăng tương đương 8,4% chỉ sau 4 phiên giao dịch. Nhờ vào biến động này, cổ phiếu BAF trở lại vùng giá sau 2 tháng "rung lắc".
Trước đó, vào phiên 10/9, nhóm cổ phiếu chăn nuôi đã bất ngờ tăng mạnh. Cụ thể, DBC tăng 2,5% với khối lượng giao dịch lên tới 15 triệu cổ phiếu với tổng giá trị giao dịch trên 400 tỷ đồng, MML (MeatLife, UPCoM) tăng 6,3%; BAF tăng 4,6% với hơn 10 triệu đơn vị được khớp lệnh,...
Trong diễn biến "ảm đạm" khi VN-Index thiếu động lực cho đợt tăng tiếp theo, nhóm cổ phiếu chăn nuôi trở thành một trong những "điểm sáng" của thị trường từ đầu tuần tới nay sau khi những ảnh hưởng của bão Yagi và hoàn lưu gây thiệt hại cho hoạt động chăn nuôi, thúc đẩy xu hướng tăng giá cho thực phẩm lên cao.
Đóng cửa phiên hôm nay, VN-Index phục hồi nhẹ lên 1.256,35 điểm, tăng 3,08 điểm với 218 mã tăng, 163 mã giảm. Song, lượng thanh khoản lại gây chú ý khi đạt mức thấp kỷ lục kể từ tháng 5/2023 đến nay, chỉ đạt hơn 10.470 tỷ đồng, giảm 17% so với phiên trước đó.
Động lực nào cho cổ phiếu chăn nuôi?
Trước diễn biến tích cực trên, ông Phạm Thanh Tiến, Chuyên viên tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset nhận định, nhóm cổ phiếu ngành chăn nuôi đang đón nhận nhiều yếu tố tích cực, thúc đẩy giá tăng lên.
Cụ thể, giá heo duy trì xu hướng tăng từ đầu năm đến nay, mức giá trung bình cả nước đã tăng từ 50.000 đồng/kg (đầu năm) lên 64.000 đồng/kg (hiện tại). Cùng lúc đó, dịch tả lợn châu Phi bùng nổ trở lại vào đầu năm nay khiến các hộ nông dân và doanh nghiệp hạn chế tái đàn, vì vậy, xu hướng tăng sẽ còn được duy trì khi yếu tố dịch bệnh vẫn đang diễn ra.
Tình hình mưa bão, lũ lụt vừa qua tại miền Bắc đã phần nào làm giảm nguồn cung thịt heo ra thị trường, bởi thực tế, nguồn cung trong nước đang có sự thiếu hụt, lượng thịt heo nhập khẩu cũng tăng đột biến trong 8 tháng đầu năm nay. Từ đó, mức giá càng được thúc đẩy tăng tích cực.
Ngoài ra, giá cả các loại hàng hóa phục vụ sản thức ăn chăn nuôi: Ngô và khô đậu tương đang ở mức đáy kể từ năm 2022. Điều này giúp tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất, hỗ trợ cho biên lợi nhuận các công ty chăn nuôi duy trì và mở rộng được biên lợi nhuận nếu quản lý được rủi ro dịch bệnh và cung cấp lượng thịt heo xuất chuồng lớn ra thị trường.
Trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu chăn nuôi đang được hỗ trợ chủ yếu từ giá heo hơi miền Bắc tăng nhẹ do ảnh hưởng từ bão Yagi và lũ lụt.