pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giá vàng thế giới giảm phiên thứ 3 liên tiếp, thị trường trong nước cũng giảm nhẹ
Ở thị trường trong nước, giá vàng điều chỉnh không đáng kể so với hôm qua. Phiên giao dịch lúc 9h30 sáng nay (19/6), giá vàng SJC tại thị trường TPHCM được niêm yết 48,34-48,67 triệu đồng/lượng, tại Hà Nội ở ngưỡng 48,34-48,69 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng nhẹ 10.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với chốt phiên sáng qua.
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC niêm yết (mua vào, bán ra), cũng điều chỉnh ở mức tương tự.
Tại hệ thống Doji Hà Nội giá SJC đang ở ngưỡng 48,38-48,55 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ khoảng 20.000 đồng/lượng chiều mua vào, giữ nguyên chiều bán ra. Biên độ giao dịch mua vào-bán ra thu hẹp lại, chỉ còn 170.000 đồng/lượng.
Như vậy, sau một tuần giao dịch, vàng SJC có 2 phiên giảm giá và 2 phiên tăng giá. Tổng cộng 4 phiên gần đây, thương hiệu này giảm khoảng 130.000 đồng/lượng.
Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng Rồng Thăng Long từ 47,86 đến 48,41 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.
Giá váng sáng nay quay đầu giảm sau khi Tổng thống Donald Trump ngày 17/6 khẳng định Mỹ sẽ không đóng cửa các hoạt động kinh doanh lần nữa trong bối cảnh một số bang đang ghi nhận số ca nhiễm mới ngày càng tăng.
"Giá vàng đã mất đi đà tăng trước đó trong phiên do các báo cáo tích cực từ Bắc Kinh cho hay họ đã kiểm soát được tình trạng bùng nổ của dịch bệnh", Edward Moya, phân tích viên cấp cao của sàn môi giới OANDA, nhận định. "Dữ liệu về số người đệ đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu đang trở nên tích cực hơn. Tình hình kinh tế cuối cùng rồi cũng sẽ tốt hơn".
Vàng còn bị tác động của căng thẳng địa chính trị leo thang. Theo đó, căng thẳng Ấn Độ và Trung Quốc vẫn ở mức cao với nhiều cuộc biểu tình nổ ra tại Ấn Độ sau vụ đụng độ đẫm máu. Sau đó, 2 bên đang cố giải quyết căng thẳng thông qua đối thoại. Động thái này khiến các cầu đầu tư vào vàng giảm.
Những thông tin về vắc-xin, thuốc điều trị COVID-19, cũng như tín hiệu tích cực từ các nền kinh tế lớn, nếu xuất hiện, sẽ làm tăng kỳ vọng phục hồi kinh tế thế giới, qua đó làm giảm vai trò trú ẩn của vàng.
MKS PAMP nhận định trong một báo cáo: "Các nguy cơ đối với đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu vẫn còn hiện diện, đặc biệt có liên quan tới số ca nhiễm bệnh tăng vọt gần đây ở cả Mỹ và Trung Quốc, tiếp tục làm bệ đỡ cho giá vàng. Tuy nhiên, do thiếu nhu cầu đối với vàng vật chất nên trong ngắn hạn có thể vàng vẫn duy trì tại mốc 1,700-1,750 USD".
(Nguồn tham khảo: SJC, Doji, BTMC)