pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giá vàng trong nước và thế giới đồng loạt giảm vào cuối tuần
Giá vàng trong nước và thế giới đồng loạt giảm vào cuối tuần. Ảnh minh hoạ
Tính đến chiều nay (26/7), sau đà tăng mạnh hơn 3 triệu đồng lên mốc 80 triệu đồng/lượng vào tuần trước, vàng SJC giảm 500.000 – 1.000.000 đồng/lượng ở hai chiều mua – bán sau 1 tuần giao dịch.
Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) có mức giá là 77,5 – 79,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Đây cũng là mức giá vàng miếng tại Bảo tín Minh Châu và DOJI ở hai thị trường: Hà Nội và TPHCM.
Mức chênh lệch hai chiều mua – bán được nới rộng ra 2 triệu đồng/lượng.
Diễn biến giá vàng SJC từ 26/6 - 26/7/2024
Cùng lúc đó, giá vàng nhẫn tiếp tục giảm kể từ cuối tuần trước đến nay, xuống dưới mức 77 triệu đồng/lượng, mức giá giảm khoảng 500.000 đồng/lượng.
Bảo tín Minh Châu niêm yết vàng nhẫn tại 75,58 – 76,88 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) có mức giá cho vàng nhẫn ở 75,3 – 76,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Mức chênh lệch hai chiều mua – bán là 1,3 – 1,5 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường thế giới, sau đà tăng vọt, liên tiếp lập kỷ lục mới vào cuối tuần trước, giá vàng quay đầu lao dốc vào tuần nay, hiện đang giao quanh ngưỡng 2.372,5 USD/ounce, giảm khoảng 50 USD/ounce so với thời điểm này tuần trước.
Diễn biến giá vàng thế giới hiện tại
Diễn biến giảm xuất hiện từ phiên giao dịch 25/7, "đánh mất" ngưỡng 2.400 USD/ounce sau báo cáo GDP của Mỹ trong quý 2 được công bố, tăng 2,8%, vượt xa kỳ vọng là 2%. Kết quả từ số liệu kinh tế tích cực sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có cơ sở để trì hoãn việc hạ lãi suất. Điều này tạo ra bất lợi cho đà tăng của vàng.
Quy đổi sang VNĐ, giá vàng thế giới đang có mức giá khoảng 72,7 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC 6,8 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng nhẫn 4,2 triệu đồng/lượng.
Động thái giảm về dưới mốc 2.400 USD/ounce của giá vàng thế giới khiến khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới tiếp tục kéo dài biên độ.
Dự báo giá vàng
Động thái từ kết quả kinh tế tích cực của Mỹ đã khiến giá vàng gặp bất lợi trong kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ từ Fed.
Dù vậy, tại công cụ FedWatch của CME, thị trường vẫn khá lạc quan khi dự đoán tới 100% khả năng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 năm nay.
Giám đốc đầu tư của BMO Global Asset Management, Sadiq Adatia cho rằng, vàng đang được giao dịch trong môi trường thuận lợi.
Gồm các yếu tố, như: nỗi lo về khả năng suy thoái, khả năng mua vào của các ngân hàng trung ương và sự quan tâm ngày càng tăng từ các quỹ đầu tư quốc gia, có thể làm lực đẩy đưa vàng chạm vào mốc kỷ lực mới.
Nhiều nhà phân tích nêu quan điểm, vàng đang chịu áp lực hỗ trợ giá nhưng chỉ trong ngắn hạn. Về trung và dài hạn, giá mặt hàng kim loại quý này vẫn có khả năng tăng lên mốc 2.500 USD/ounce vào cuối năm nay và cán mốc 2.600 USD/ounce năm 2025.
Ở khía cạnh khác, các chuyên gia phân tích hàng hóa của Sucden Financial cho biết, việc vàng tăng cao chỉ là vấn đề thời gian. Bởi triển vọng thúc đẩy giá vàng vẫn còn tích cực: nhu cầu vật chất, hoạt động mua mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương, việc lạm phát giảm và biến động thị trường gia tăng. Dự báo, giá vàng có thể chạm 2.500 USD/ounce vào cuối quý 3.