pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giá vàng trong nước vẫn duy trì ở mức 50,60 triệu đồng/lượng
Thị trường vàng trong nước có phiên điều chỉnh tăng nhẹ theo đà tăng của giá vàng thế giới. Ghi nhận lúc 9.30 sáng nay (13/7), giá vàng SJC tại thị trường TPHCM được niêm yết 50,20-50,60 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); tại Hà Nội niêm yết ở ngưỡng 50,20-50,62 triệu đồng/lượng. Theo đó, tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào, giữ nguyên mức giá bán ra so với phiên giao dịch cuối tuần qua.
Hệ thống của Công ty vàng bạc đá quý Doji tại thị trường Hà Nội niêm yết giá vàng ở mức 50,20 - 50,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào, giữ nguyên mức giá chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua, biên độ hai chiều đang giãn cách ở mức 250.000 đồng/lượng.
Tại hệ thống cửa hàng của Công ty Vàng Bạc Đá Quý Bảo Tín Minh Châu trong giao dịch sáng nay, vàng SJC được giao dịch ở mức giá 50,20 - 50,45 triệu đồng/lượng, tăng 110.000 đồng/lượng chiều mua vào, giữ nguyên mức giao dịch chiều bán ra so với phiên hôm qua.
Vàng Phú Quý điều chỉnh giá vàng ở mức 50,23-50,45 triệu đồng/lượng, tăng 80.000 đồng/lượng chiều mua vào, giữ nguyên mức giao dịch chiều bán ra so với phiên hôm qua. Biên độ giao dịch mua vào - bán ra 250.000 đồng/lượng.
Vàng thế giới bật tăng trở lại sau những ngày lùi sâu dưới mốc 1.800 USD/ounce vừa qua. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới là nguyên nhân chính đẩy giá vàng tăng trở lại. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 trong ngày ở mức cao kỷ lục, với tổng cộng 230.370 ca. Tính đến 6h ngày sáng nay, toàn cầu ghi nhận 13.022.994 người mắc bệnh, trong đó có 571.000 ca tử vong. Mỹ tiếp tục là quốc gia có tốc độ lây lan Covid-19 nhanh nhất thế giới.
Dịch bệnh khiến giới đầu tư gia tăng mối lo ngại về triển vọng hồi phục kinh tế. Cộng với việc các nước liên tục bơm tiền và các gói kích thích kinh tế có thể sẽ dẫn tới lạm phát.
Giới chuyên gia nhận định, thị trường dự báo về giá vàng trong tuần này sẽ có phiên giằng co quanh ngưỡng 1.800 USD/ounce bởi vàng vừa chịu áp lực chốt lời của giới đầu tư nhưng về dài hạn, vẫn được xem là tài sản trú ẩn an toàn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn khó lường.
(Nguồn tham khảo: SJC, Doji, BTMC...)