Giá xăng tăng, người tiêu dùng lo giá hàng hóa 'tát nước theo mưa'

02/07/2019 - 17:27
Từ 16h30 ngày 2/7, giá xăng được Liên Bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục điều chỉnh tăng giá, kéo theo nỗi lo giá cả leo thang của nhiều người tiêu dùng.
Từ 16h30 ngày 2/7, tại phiên điều chỉnh giá xăng trong nước theo chu kỳ 15 ngày, sau vài kỳ giảm liên tiếp, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã điều chỉnh: xăng RON95-III tăng 383 đồng/lít; xăng E5RON92 tăng 420 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 292 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 326 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 105 đồng/kg.
 
xang-tang.jpg
Từ 16h30 ngày 2/7, giá xăng được Liên Bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục điều chỉnh tăng giá

 

Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá:
 
- Xăng E5RON92: không cao hơn 19.653 đồng/lít;
 
- Xăng RON95-III: không cao hơn 20.517 đồng/lít;
 
- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 16.949 đồng/lít;
 
- Dầu hỏa: không cao hơn 15.937 đồng/lít;
 
- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 15.220 đồng/kg.
 
Nguyên nhân tăng giá xăng là do giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới đã tăng 3,3 - 4% so với kỳ trước.
 
Người tiêu dùng lo ngại một đợt tăng giá mới
 
Thông tin xăng tăng giá đã gây lo ngại cho không ít người tiêu dùng, đặc biệt là chị em nội trợ.
 
Cố gắng sắp xếp công việc để ra cây xăng đổ đầy bình chiếc xe Lead trước khi cửa hàng điều chỉnh giá bán, chị Kim Anh (phố Kim Ngưu, Hà Nội) thở dài: Đổ đầy bình xăng thì cũng chỉ tiết kiệm được vài ngàn so với trước, chả thấm vào đâu so với mức tăng giá của các loại thực phẩm, hàng hóa trên thị trường.
 
hang-hoa-4.jpg
Người tiêu dùng lo ngại giá cả tát nước theo mưa tăng cùng giá xăng

 

Việc điều chỉnh giá xăng dầu là quy luật chung của thị trường, nhưng người tiêu dùng luôn phải chịu cảnh giá cả hàng hóa “tát nước theo mưa” mỗi khi xăng tăng giá. Xăng giảm vài kỳ, hàng hóa cũng không có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhưng khi xăng tăng giá, rau cỏ, thịt heo, tôm cá, hàng hóa thiết yếu hàng ngày… cũng nhích theo, lý do tiểu thương đưa ra luôn là điệp khúc: xăng tăng, phí vận chuyển, phụ phí tăng, nên hàng hóa cũng tăng theo, chị Phương Chi (Q. Thanh Xuân) bức xúc chia sẻ.
 
Chị Nguyễn Thị Trang (công nhân xây dựng, trọ tại phố Vĩnh Phúc, Hà Nội) thì ngậm ngùi: Mấy tháng hè nắng nóng, lượng điện sử dụng tăng, tiền điện phải trả thêm lên tới 200.000 – 300.000/tháng, những người công nhân như chị đã phải dè xẻn hơn để cân đối chi tiêu. Xăng tiếp tục tăng giá, kéo theo nỗi lo của nhiều người lao động vì giá các mặt hàng tiêu dùng được dịp tăng theo, buộc họ tiếp tục phải điều chỉnh cho tiêu để đảm bảo cuộc sống của bản thân và gia đình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm