Giấc mơ dang dở của những nữ sinh Nigeria bị bắt cóc

06/08/2018 - 08:00
5 tháng trước, phiến quân khủng bố Hồi giáo Boko Haram đã bắt cóc hơn 100 nữ sinh ở Dapchi, một thị trấn nằm phía Đông Bắc Nigeria. Sau đó 1 tháng, phiến quân đã trả tự do cho các cô gái sau thỏa thuận với chính phủ nhưng với nhiều em, mơ ước về một cuộc sống bình thường chẳng bao giờ quay trở lại.
Nghỉ học, chờ kết hôn
2 chị em Falmata (15 tuổi) và Aisha (14 tuổi) ngồi trước hiên nhà mình ở Dapchi và chia sẻ với phóng viên Adrian Kriesch của báo DW (Đức) về ước mơ của mình. Falmata mong muốn trở thành luật sư để có thể giúp đỡ mọi người khi gặp rắc rối. Còn cô em Aisha với khăn trùm đầu màu xanh lá cây mỉm cười và nói rằng ước mơ của em là trở thành một bác sĩ. Tuy nhiên, những điều bình thường đó sẽ rất khó trở thành hiện thực bởi cả hai cô bé hiện đang phải ở nhà, không được đi học.
 
a1-nu-sinh-nigeria-1a.jpg
2 chị em Falmata (phải) và Aisha bị phiến quân khủng bố Boko Haram bắt cóc đầu năm 2018
 
Trước câu hỏi: “Tại sao các em không đến trường học?”, Aisha trả lời: “Bố mẹ em nói phải chờ đợi thêm thời gian”. Bàn về điều này, ông Zanna Zakaria, bố của Falmata và Aisha đã sắp xếp để cho cả hai cô con gái kết hôn.
 
“Cả hai đứa đã đủ trưởng thành để đi lấy chồng. Hai đứa không thể ở lại đây vì điều đó trái với truyền thống. Falmata và Aisha sẽ kết hôn và sau đó, chồng của chúng sẽ quyết định xem có thể trở lại trường học hay không”, ông Zakaria nói.
 
Quyền được giáo dục và tự quyết định cuộc sống vẫn là những điều khó khăn của những cô gái như Falmata và Aisha. Cha của hai em nghĩ rằng, điều quan trọng hơn là gia đình sẽ nhận được khoản tiền 50 - 120 euro cho mỗi cô gái khi kết hôn. Đó là số tiền không nhỏ ở một trong những khu vực nghèo nhất của Nigeria.
 
Falmata và Aisha là 2 trong số hơn 100 nữ sinh trường nội trú bị Boko Haram bắt cóc làm con tin hồi đầu năm 2018. Sau khi thỏa thuận với chính phủ, nhóm khủng bố quyết định trả tự do cho các nữ sinh. Những cô gái không muốn nói về thời gian bị bắt cóc.
 
Được biết, cho đến nay, không có nữ sinh nào nhận được sự hỗ trợ tâm lý từ các cơ quan chức năng. Bà Florence Ozor, người lãnh đạo tổ chức “Bring Back Our Girls” (Đưa con gái chúng tôi trở về) nói rằng, chính phủ một lần nữa đã “bỏ rơi” các nạn nhân bị bắt cóc.
 
“Những cô gái bị bắt cóc không thể tự phục hồi sau sang chấn tâm lý khủng khiếp như vậy. Họ cần được hỗ trợ điều trị tâm lý lâu dài. Tuy nhiên, chính phủ đã không quan tâm đến chuyện đó”, bà Ozor nói.
 
Ít nữ sinh trở lại trường
Falmatu là một trong số ít nữ sinh bị bắt cóc sẵn sàng nói về những gì đã xảy ra. Falmatu cho biết, em đã đi học và chỉ 1/3 số nữ sinh bị bắt cóc đi học trở lại. Trong bộ đồng phục màu hồng, ngồi bên cạnh phòng học đổ nát, Falmatu kể với bạn cùng lớp về thời gian bị Boko Haram bắt cóc làm con tin. “Đó có lẽ là khoảng thời gian khủng khiếp nhất trong cuộc đời!”, Falmatu nói.
a2-nu-sinh-nigeria-3.jpg
Falmatu (bìa trái) cùng bạn bè ở trường học 

Falmatu kể, nhóm khủng bố dẫn mọi người di chuyển liên tục, băng qua sông, đồi núi với tiếng máy bay gào rú trên không trung. Falmatu và 8 người bạn từng trốn thoát nhưng sau vài giờ đã bị vợ của những chiến binh Boko Haram bắt lại. 

 

Em và những người bỏ trốn bị trừng phạt. “Khi được trả tự do, nhóm khủng bố đe dọa, đừng quay trở lại trường học vì chúng sẽ tiếp tục bắt cóc. Ban đầu, em không có ý định quay trở lại trường học nhưng bố nói rằng, đã mất quá nhiều tiền cho việc học của em. Mẹ nói nên suy nghĩ nghiêm túc về tương lai của mình. Vì vậy, em quyết định trở lại trường học”, Falmatu nói.
 
Khác với Falmatu, nhiều cô gái không dám quay lại trường học. Một số ít gia đình cho con đi học ở một thị trấn khác. 20 cô gái đã may mắn giành được học bổng tại một trường học ở Thổ Nhĩ Kỳ. Modu Ma’aji Ajiri, một quan chức của Bộ Giáo dục tiểu bang Yobe nói rằng, trường học ở Dapchi vẫn an toàn. “Nhân viên an ninh được tăng cường đến tận cổng trường.
 
Những trạm kiểm soát trên đường đến trường đã được thiết lập. Một số phụ huynh nói rằng, cho con đến trường học không khác gì gửi con cho khủng bố. Mọi người cần phải có nhận thức đúng đắn về điều này”, Ajiri nói.
 
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), 10,5 triệu trẻ em Nigeria không đi học. Tình hình ở khu vực Đông Bắc nước này trở nên đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi xuất hiện cuộc nổi dậy của Boko Haram. Trong vài năm qua, nhóm khủng bố đã phá hủy hơn 1.400 trường học và giết chết khoảng 2.300 giáo viên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm