“Giấc mơ mặc áo cưới có thật” của những người khuyết tật

N.M
28/10/2020 - 17:09
 “Giấc mơ mặc áo cưới có thật” của những người khuyết tật

Lễ cưới tập thể "Giấc mơ có thật" năm 2019

Với nhiều người khuyết tật, được mặc chiếc váy cô dâu lộng lẫy, mặc bộ vest sang trọng, được trở thành cô dâu, chú rể, được nhận lời chúc phúc từ người thân, với họ, không khác gì giấc mơ. “Giấc mơ có thật” ấy đã bước sang năm thứ 3 và nhân lên niềm hạnh phúc của hàng trăm cặp đôi khuyết tật.

Bế đứa con mới 5 tháng tuổi đến tham dự Lễ Công bố chương trình Lễ cưới tập thể "Giấc mơ có thật" lần thứ 3 tại Hà Nội sáng nay (28/10), vợ chồng anh Lại Đức Nhuần (sinh năm 1984, huyện Đông Anh, Hà Nội) và chị Nguyễn Thị Diệu (sinh năm 1984, Sơn Tây, Hà Nội) bừng lên niềm hạnh phúc. Vợ chồng anh Nhuần cho biết, đứa trẻ là tình yêu kết tinh sau đám cưới tập thể năm ngoái mà anh chị là "nhân vật chính", là một trong những cặp cô dâu, chú rể cảm thấy như đang sống trong giấc mơ đẹp nhất của cuộc đời.

 “Giấc mơ mặc áo cưới có thật” của những người khuyết tật - Ảnh 1.

Em bé 5 tháng tuổi là kết tinh tình yêu sau Lễ cưới tập thể năm 2019 của vợ chồng Nhuần - Diệu

Dù biết anh Nhuần bị khuyết tật vận động bẩm sinh nhưng chị Diệu vẫn quyết tâm đi theo tiếng gọi của tình yêu. Tất nhiên, gia đình chị Diệu phản đối kịch liệt. Trước tình yêu sâu đậm của hai người, gia đình chị Diệu đành miễn cưỡng đồng ý nhưng trong lòng đầy sự lo lắng. Năm 2009, hai bên gia đình đã tổ chức bữa cơm để chúc phúc cho họ. Những năm hôn nhân của họ nhiều khó khăn về kinh tế nhưng họ vẫn nương tựa, động viên nhau vượt qua. Hàng ngày, chị Diệu đi làm phụ bếp ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, anh Nhuần đi bán rong bông tăm. Tối về, nhìn hai đứa con khỏe mạnh, lành lặn, với anh Nhuần, chị Diệu, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc không gì có thể đánh đổi được.

 “Giấc mơ mặc áo cưới có thật” của những người khuyết tật - Ảnh 2.

Được là nhân vật chính trong đám cưới tập thể, chị Diệu có những cảm xúc rất đặc biệt

10 năm sau, khi được khoác trên người bộ váy cưới cô dâu rất đẹp trong đám cưới tập thể năm 2019, Diệu cảm thấy vui và hạnh phúc ngập tràn. "Khi em được mặc váy cưới chụp ảnh cùng chồng và 2 đứa con, em có rất nhiều cảm xúc. Đặc biệt, khi bên cạnh mình là mấy chục cặp cô dâu, chú rể khác có cùng hoàn cảnh, nhìn ai cũng rạng rỡ, tươi vui, niềm hạnh phúc của em được nhân lên nhiều lần. Với những người có hoàn cảnh không may mắn thì đây đúng như một giấc mơ. Em rất mong nhiều người khuyết tật ở các tỉnh có cơ hội được tổ chức đám cưới", Diệu chia sẻ.

 “Giấc mơ mặc áo cưới có thật” của những người khuyết tật - Ảnh 3.

Vợ chồng anh Thức, chị Kiên được tổ chức đám cưới sau 14 năm "góp gạo thổi cơm chung"

Là vận động viên khuyết tật nổi tiếng khi sở hữu 36 HCV tại ParaGames Đông Nam Á, cũng nhờ có chương trình Giấc mơ có thật, anh Phạm Hồng Thức và vợ là Hoàng Hồng Kiên mới có một đám cưới đúng nghĩa sau 14 năm "góp gạo thổi cơm chung". Anh Thức, chị Kiên vẫn rưng rung xúc động khi nhớ về đám cưới ý nghĩa 2 năm trước. "Tôi đi qua bất cứ đám cưới nào cũng rất thèm khát khi nhìn những bộ váy cô dâu trắng tinh nhưng không bao giờ dành cho mình. Thế nên, khi được chương trình tổ chức đám cưới tập thể, với tôi, đó như là một giấc mơ. Tôi đã vô cùng hồi hộp mong chờ ngày được đi chụp ảnh. Điều thú vị nhất là đám cưới của vợ chồng tôi có hiện diện đứa con  của chúng tôi. Thực sự, đó là kỷ niệm, là dấu ấn không thể quên trong cuộc đời. Tôi mong muốn nhiều người không may mắn được chương trình tổ chức đám cưới, được khoác lên mình bộ cô dâu, chú rể, được nhận lời chúc phúc từ bạn bè, người thân. Những hạnh phúc ấy thực sự vô cùng quý giá với những người khuyết tật như chúng tôi", chị Hồng Kiên chia sẻ.

 “Giấc mơ mặc áo cưới có thật” của những người khuyết tật - Ảnh 4.

Vợ chồng anh Thức, chị Kiên vẫn xúc động khi nhớ về đám cưới ý nghĩa 2 năm trước

Chương trình Lễ cưới tập thể "Giấc mơ có thật" năm nay bước sang năm thứ 3, do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội tổ chức. Lễ cưới dự kiến sẽ có sự góp mặt của 60 cặp đôi là người khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang yêu nhau hoặc đã đăng ký kết hôn (đã có con), hoặc mong muốn được kết hôn nhưng không có khả năng, điều kiện tổ chức đám cưới hiện đang sinh sống tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Theo bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, TW Hội LHPN Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức, chương trình Lễ cưới tập thể "Giấc mơ có thật" lần thứ 3 năm 2020  chính là món quà, thể hiện sự quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện để những người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cơ hội làm đám cưới chính thức, xây dựng mái ấm gia đình và qua đó, tạo động lực để họ vượt qua mọi khó khăn vươn lên xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp.

Bà Dương Thị Ngọc Linh cũng bày tỏ niềm mong muốn nhận được sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cùng tham gia, đóng góp, ủng hộ để các cặp đôi khuyết tật có một đám cưới ý nghĩa, với tính nhân văn sâu sắc.

Đến thời điểm hiện tại, đã có trên 40 cặp đôi được lựa chọn tham gia Lễ cưới. Lễ cưới dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 6/12/2020 tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, số 20 Thụy Khuê, Q.Tây Hồ, Hà Nội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm