Giải mã hiện tượng sinh con dưới mộ sau khi chết

21/09/2018 - 06:30
Những trường hợp thai phụ sinh con dưới mộ sau khi qua đời hiện vẫn là bí ẩn khiến các nhà khoa học không ngừng tìm hiểu suốt nhiều thế kỷ qua.
“Ra đời trong quan tài”
 
Một ngôi mộ được phát hiện năm 2010 trong một cuộc khai quật tại thị trấn Imola ở phía Bắc Italia, gần thành phố Bologna. Hài cốt của thai phụ nằm lẫn với một số đồ mai táng có niên đại từ thời kỳ Lombard (trong khoảng thời gian 600-700 trước Công nguyên). Do thi hài người phụ nữ nằm ngửa mặt và bao quanh là những viên đá, nhóm nghiên cứu kết luận thai phụ được chôn cất có chủ ý và chắc chắn chưa bị xê dịch hay động chạm vào.
 
Bộ xương cốt các nhà khoa học nghiên cứu được tìm thấy cùng một thai nhi ở giữa hai chân của thai phụ. Dựa vào vị trí của thai nhi, các nhà nghiên cứu kết luận đây là một trường hợp “ra đời trong quan tài”. Đầu và phần thân trên của thai nhi được tìm thấy ở bên ngoài vùng xương chậu của người phụ nữ, trong khi phần chân thai nhi vẫn ở bên trong.
trang-10-bi-an-khoa-hoc-4.jpg
 
Người phụ nữ Trung cổ này có một lỗ hổng rộng 5 mm trên sọ. Các nhà khoa học cho rằng, bà đã trải qua phương thức điều trị y khoa “khoan xương sọ”. Đây là phương pháp phẫu thuật lâu đời nhất, xuất hiện trong thời kỳ đồ đá và để sử dụng chữa trị cho hội chứng tiền sản giật. Nhóm nghiên cứu nghi ngờ có thể sản phụ phải trải qua phẫu thuật não vì lý do trên. Theo chi tiết ghi trong nghiên cứu xuất bản trên tạp chí World Neurosurgery, người phụ nữ này sống được thêm 1 tuần sau ca phẫu thuật và được chôn cất khi còn mang thai.
 
Một ngôi mộ khác thường
 
Đây không phải là lần đầu tiên ghi nhận một trường hợp “ra đời trong quan tài” đối với ngành khảo cổ học. Năm 2006, các nhà khoa học thuộc Đại học Genova đã nghiên cứu một trường hợp khác trong ngôi mộ được cho là từ thế kỷ 14 ở nghĩa trang San Nicolao di Pietra Colice, cách Genova (Italia) 54 dặm. “Trong trường hợp này, chúng tôi đã tìm thấy dưới chân thai phụ là một thai nhi khoảng 38-40 tuần tuổi.
 
trang-10-bi-an-khoa-hoc-1.jpg
Công tác khảo cổ học ở Italia

 

Bên cạnh còn có xương của hai trẻ nhỏ khác tầm 12 tuổi và 3 tuổi”, ông Deneb Cesana thuộc Đại học Genova, chia sẻ với tạp chí Seeker. Đó là kết quả về hiện tượng “ra đời trong quan tài” của cuộc khảo cứu của ông Cesana và các đồng nghiệp: Cô Ole Jorgen Benedictow, một nhà sử học bệnh dịch tại Đại học Oslo (Na Uy) và ông Raffaella Bianucci, một nhà sinh học của Đại học Warwick (Anh quốc). Công trình nghiên cứu của họ đã được công bố trên tạp chí Anthropological Science.
 
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng người phụ nữ và hai đứa trẻ có thể đã chết vì bệnh dịch hạch. Thời gian tương ứng với sự xuất hiện của đại dịch “Cái Chết Đen” ở Genova năm 1348. “Cái Chết Đen” được coi là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại, ước tính nạn dịch này đã giết chết từ 30 tới 60% dân số của châu Âu và giảm dân số toàn cầu từ khoảng 450 triệu người xuống còn từ 350 đến 375 triệu người năm 1400. Nguyên nhân của đại dịch này là sự bùng phát của bệnh dịch hạch gây ra bởi vi khuẩn Yersinia pestis. 
 
Phân tích của các nhà khoa học xác nhận rằng 3 trong 4 cá nhân là người phụ nữ, thai nhi và đứa trẻ 12 tuổi được xét nghiệm dương tính với kháng nguyên F1 của Yersinia pestis. Còn đứa trẻ 3 tuổi không bị bệnh. Các cuộc điều tra nhân chủng học được thực hiện và tài trợ bởi Bảo tàng Khảo cổ Sestri Levante và Liguria cho thấy người phụ nữ cao khoảng 1m50 và trong độ tuổi 30-39 khi bà qua đời.
 
Người phụ nữ bị rối loạn sản giật và có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh Legg-Calvé - Perthes khiến hông cứng lại, xương đùi phát triển không bình thường và chân đi khập khiễng. Còn bộ xương của đứa trẻ 12 tuổi có dấu hiệu tổn thương do suy dinh dưỡng.
 
Giải mã khoa học
 
Điều đáng nói là việc sinh đẻ cần tới sự phối hợp co thắt, giãn mở... nhịp nhàng của các bó cơ tử cung, hình thành những cơn rặn là lực đẩy chính giúp em bé có thể chào đời. Thai nhi chỉ thực hiện các động tác thụ động giúp cho quá trình chuyển dạ dễ dàng và thuận hơn, chứ không thể tự di chuyển ra ngoài được.
 
trang-10-bi-an-khoa-hoc-3.jpg
Bộ hài cốt sản phụ “sinh con trong quan tài” tại thị trấn Imola ở phía Bắc Italia.

 

Vậy trong điều kiện không có thêm bất kì sự can thiệp nào từ bên ngoài, làm sao em bé sinh ra được? Các nhà nghiên cứu trường Đại học Ferrara và Bologna giải thích hiện tượng “ra đời trong quan tài” xảy ra khi thai nhi bị đẩy ra ngoài trong lúc người mẹ đã chết và bị chôn.
 
Các bà mẹ đã tử vong đúng là không thể sinh ngay sau khi mới mất, vì toàn bộ cơ thể đã ngừng hoạt động. Hệ nội tiết ngừng bơm hormone, phổi ngừng thở không còn cung cấp dưỡng khí để chuyển hóa thành năng lượng và cơ tử cung cũng như tất cả các bộ phận khác đã tê liệt không còn vai trò gì trong quá trình “chuyển dạ” đặc biệt này.
 
Tuy nhiên, cơ thể chết đi, đổi lại là sự sinh sôi của các vi khuẩn kị khí. Chúng phân hủy xác, tạo ra các loại khí như CO2, metan, amoniac, hidro sunfit... Trong quá trình tử thi phân hủy, lượng khí lớn xuất hiện, dồn vào tử cung người mẹ. Lực đẩy của khí khá mạnh, tương đương như những cơn co bóp tử cung ở các ca sinh đẻ bình thường. Đó chính là lý do vì sao các em bé có thể ra đời ngay cả khi mẹ của chúng đã chết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm