Giải mã văn học trung đại cùng nhà văn Vũ Bình Lục

Bảo Minh
19/10/2024 - 22:59
Giải mã văn học trung đại cùng nhà văn Vũ Bình Lục

Tác phẩm "Vừa đi vừa nghĩ" của nhà văn Vũ Bình Lục

“Với nhãn quan, cảm quan nghệ thuật, thành quả lao động của Vũ Bình Lục không hề thua kém một viện nghiên cứu vài ba chục người”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhận định.

Ngày 19/10, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm Nhà văn Vũ Bình Lục và các công trình giải mã văn học trung đại. Sự kiện do Viện Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phối hợp với Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức.

Tại tọa đàm, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học đã cùng phân tích về những công trình, tác phẩm biên khảo, lý luận, phê bình văn học trung đại của nhà văn Vũ Bình Lục; những thành công, đóng góp của tác giả cho văn học nước nhà cũng như bàn luận, trao đổi về đề tài nghiên cứu văn sử mà ông là người khởi xướng và có những phát hiện thú vị.

Vũ Bình Lục vào bộ đội chống Mỹ năm 1967 trong Binh chủng Đặc công ở chiến trường khu V, nhiều lần đạt danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ". Đến năm 1972, do bị thương nặng, ông được đưa ra Bắc điều trị, học lại phổ thông và trúng tuyển vào khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Ngay từ những năm tháng đó, ông vừa làm thầy giáo vừa không ngừng học hỏi, sáng tác và nghiên cứu văn học, nhất là văn học trung đại. Đặc biệt khi về hưu, 16 năm qua, ông tập trung sáng tác và nghiên cứu văn học với hơn 30 đầu sách, trong đó có tới 14 tác phẩm nghiên cứu văn học trung đại. Đáng chú ý là các tác phẩm: Giải mã thơ chữ Hán và bình thơ Nôm của Nguyễn Trãi, Giải mã thơ Lý Trần (5 tập), Hồn Thiền trong thơ Lý Trần, Thánh thơ Cao Bá Quát... 

Mới đây nhất, NXB Hội Nhà văn đã ấn hành công trình nghiên cứu lý luận, phê bình văn học Vừa đi vừa nghĩ của ông.

Trên tinh thần khoa học và tư duy phản biện sắc sảo, trong tác phẩm Vừa đi vừa nghĩ, nhà văn Vũ Bình Lục đã không ngại ngần nêu ra và giải quyết rốt ráo một số vấn đề khá gai góc và nhạy cảm, trong lịch sử văn hóa, văn chương nước nhà. "Điều ấy khiến người đọc ngày nay vốn quen với lối tư duy máy móc, thụ động trong nhận thức những vấn đề tưởng như đã mặc định, phải bất ngờ sửng sốt và vui vẻ đồng cảm, bởi tính khách quan khoa học của nó", Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhận định.

Nhà văn Vũ Bình Lục (bên trái) cùng Tổng Biên tập tạp chí Văn hiến VIệt Nam Nguyễn Thế Khoa

Nhà văn Vũ Bình Lục (bên trái) cùng Tổng Biên tập tạp chí Văn hiến VIệt Nam Nguyễn Thế Khoa

Phát biểu tại tọa đàm, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa - Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam cho biết: Nhà văn Vũ Bình Lục đã đi đúng hướng trong việc nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam là kết hợp văn và sử để đọc, dịch, tìm hiểu, giải mã nhiều tác giả, tác phẩm lớn nhất của nền văn học đó.

Nhận xét về chất lượng các công trình nghiên cứu, giải mã văn học trung đại của Vũ Bình Lục, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng: "Có thể nói, với nhãn quan, cảm quan nghệ thuật, thành quả lao động của Vũ Bình Lục không hề thua kém một viện nghiên cứu vài ba chục người. Nhà văn Vũ Bình Lục đang nổi lên như một hiện tượng ở nước ta. Ông được giới chuyên môn và bạn đọc đánh giá cao, xứng đáng là một trong những chuyên gia về văn học trung đại Việt Nam".

Hiện, nhà văn Vũ Bình Lục đã hoàn thành bản thảo các công trình để chuẩn bị công bố: Bang giao Đại Việt ngàn năm qua văn chương (khoảng 2.000 trang), Giải mã thơ chữ Hán Nguyễn Du (gần 1.000 trang), Giải mã thơ chữ Hán Ngô Thì Nhậm (700 trang)…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm