pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
Giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác
Trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao tăng trưởng dư nợ tín dụng 8% so với năm 2021 (tương ứng tăng 16.800 tỷ đồng) và tăng dư nợ tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ là 19.000 tỷ đồng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội đã giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng và chỉ đạo các đơn vị tập trung giải ngân phục vụ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Ngân hàng Chính sách xã hội đã chủ động huy động nguồn vốn ngay từ đầu năm, tổ chức giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trả nợ các khoản vay đến hạn, đảm bảo khả năng thanh toán cho hoạt động của toàn hệ thống.
Đến 31/7/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 286.276 tỷ đồng, tăng 29.951 tỷ đồng so với năm 2021. Trong đó, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 28.504 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10% tổng nguồn vốn, tăng 3.802 tỷ đồng so với năm 2021, hoàn thành 114,7% kế hoạch năm 2022. Đến nay, 53/63 chi nhánh đã hoàn thành vượt mức kế hoạch giao năm 2022.
Được ví như cánh tay nối dài của Ngân hàng Chính sách xã hội để đưa nguồn vốn chính sách đến đúng và trúng đối tượng, 4 tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phối hợp, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng, đồng thời, thực hiện tốt công tác đôn đốc, thu hồi, xử lý, quản lý nợ, phòng ngừa nợ xấu phát sinh trong quá trình hoạt động.