Giải pháp căn cơ tạo sức hút cho đào tạo nghề

10/12/2017 - 16:56
Tại Diễn đàn về Khởi nghiệp, việc làm diễn ra sáng nay 10/12, trưởng ngành LĐ-TB&XH cho biết năm 2018, giáo dục nghề nghiệp sẽ là khâu đột phá của ngành; tập trung vào nâng cao số lượng người học, ra trường có việc làm; nâng cao chất lượng đào tạo.
dien-dan-viec-lam-thanh-nien.jpg
Diễn đàn Khởi nghiệp, việc làm trong chương trình của Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022 đang diễn ra (ảnh H. Hòa)

  

Ngày 10/12, Bộ LĐ-TB&XH và Trung ương Đoàn TNCSHCM tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp, việc làm. Đây là một trong những hoạt động thiết thực của Chương trình Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022 đang diễn ra.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện thị trường lao động đang mất cân đối cung – cầu. Sức cung lao động tăng rất lớn, trong 5 năm, cả nước tăng 3,2% đến 3,5%/năm.  Cả nước có 1,3 đến 1,5 triệu người đến độ tuổi lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 51%.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực trong hệ thống giáo dục quốc dân đang bị lệch hướng. Sự bùng phát đơn lẻ của một số ngành nghề, không theo kế hoạch gây ra sự mất cân đối với nhu cầu cuẩ xã hội ngày càng trầm trọng.

Đồng thời, các doanh nghiệp chưa chủ động tham gia đào tạo, dạy nghề, chưa đứng ở vai trò là người đặt hàng, yêu cầu với cơ sở đào tạo. Do vậy, doanh nghiệp bị động thường bị động trong việc sử dụng lao động đã qua đào tạo.

Bên cạnh đó, hệ thống dịch vụ việc làm tuy đã đã hình thành nhưng phát triển còn chậm, manh mún. Hệ thống thông tin về thị trường lao động còn mang tính cóp nhặt, chưa cập nhật đầy đủ và dự báo ngắn hạn, trung hạn làm cơ sở cho việc nđánh giá biến động của quan hệ cung cầu lao động…

Đặc biệt, qua thống kê, trong quý 2/2017, cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp; trong đó tỷ lệ thất nghiệp người có trình độ từ đại học trở lên tới hơn 200 ngàn người, gây ra sự lãng phí lớn nguồn nhân lực. Tại diễn đàn, các đại biểu Đoàn thanh niên trao đổi những băn khoăn, trăn trở và đặt ra các câu hỏi với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tiếp cận thông tin thị trường lao động; chính sách xuất khẩu lao động với thanh niên; vấn đề đào tạo, việc làm; khởi nghiệp, vốn vay và các chính sách hỗ trợ với thanh niên khởi nghiệp…

dien-dan-viec-lam-thanh-nien1.jpgCác đại biểu tham gia thảo luận tại Diễn đàn (ảnh H.Hòa)

 

Giải đáp về vấn đề việc làm, đào tạo nghề, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng LĐ-TB&XH, cho rằng: Xã hội có trách nhiệm chăm lo cho việc làm, đời sống thanh niên, để thanh niên có thu nhập chính đáng, có điều kiện rèn đức luyện tài, và lựa chọn con đường phù hợp với năng lực để cống hiến cho đất nước.

Qua thống kê, trong quý 2/2017, cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp. Theo ông Dung, để giải quyết cần có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, tập trung vào giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Trưởng ngành LĐ-TB&XH cho biết, Bộ này đang hướng đến sắp xếp, quy hoạch hệ thống trường đào tạo nghề trên phạm vi cả nước; trong đó đẩy mạnh trường nghề tư thục do chính doanh nghiệp mở và tham gia đào tạo.

Hiện nay, giáo dục nghề nghiệp ở bậc cao đẳng, trung cấp nghề tuyển sinh khoảng 2 triệu người/năm. Theo ông Đào Ngọc Dung, giáo dục nghề nghiệp sẽ là khâu đột phá của ngành trong năm 2018. Tập trung vào nâng cao số lượng người học nghề, ra trường có việc làm; nâng cao chất lượng đào tạo; đồng thời có các cơ chế, chính sách mở rộng hình thức đào tạo liên thông cao hơn cho người học nghề.

Để thực hiện khâu đột phá này, theo ông Dung, chính sách hướng tới giao tự chủ cho các trường, cơ sở đào tạo nghề về quản lý, tài chính và nguồn nhân lực, tuyển sinh. Đẩy mạnh kết nối  doanh nghiệp với nhà trường, để doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật và tuyển dụng nguồn lao động cho chính doanh nghiệp đó. Bên cạnh đó, chuẩn hóa chất lượng đào tạo nghề tương đương với khu vực ASEAN và quốc tế, để người học nghề có thể lao động, làm việc tại các nước…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm