Tại buổi sinh hoạt, các ý kiến tham luận đã lần lượt đề ra những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả quản lý vốn trong các cấp Hội. Tuy nhiên, do những điều kiện khác nhau mà công tác quản lý vốn ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn tồn tại như công tác bình xét các đối tượng vay vốn ở một số tổ Tiết kiệm & vay vốn (TK&VV) còn chưa nghiêm túc, vẫn còn một số trường hợp vay hộ, vay ké, có hộ vay chưa tự giác trong việc trả nợ gốc/lãi khi đến hạn; Kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế của một số cán bộ hội còn hạn chế; Công tác phối hợp giữa tổ chức Hội với các tổ chức, doanh nghiệp trong việc tư vấn, hỗ trợ tiếp cận thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều; Còn lúng túng trong công tác tham mưu, phối hợp xử lý rủi ro ở một số cơ sở…
Do vậy cần tiếp túc đổi mới, nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, quy định của Ngân hàng về vay vốn đến cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân; Tập trung rà soát, nắm chắc đối tượng tiếp cận nguồn vay vốn; Nâng cao công tác đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ Hội, tổ trưởng tổ TK&VV; Tiếp tục mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT về chăn nuôi, trồng trọt, phương pháp quản lý vốn để phát triển kinh tế…
Phát biểu tại buổi sinh hoạt, bà Trần Thị Vân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh, đồng tình, nhất trí với các ý kiến tham luận. Đồng thời khẳng định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.