Giám đốc Bệnh viện Mắt lý giải nguyên nhân bị đau mắt đỏ sau khi đi bơi

17/06/2018 - 06:02
Ngày hè, các phụ huynh thường cho con đến hồ bơi để giải nhiệt. Tuy nhiên, thực tế nước tại các hồ bơi không đảm bảo, gây ảnh hưởng đến mắt, trong đó, không ít người đã bị bệnh đau mắt đỏ.
Chị Nguyễn Thị Phượng (khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, những ngày hè chị thường cho 2 con, một bé 6 tuổi và bé 8 tuổi đến hồ bơi. Theo đó, mỗi tuần chị cho các bé đến hồ bơi 3 lần. “Tôi cho các con đến hồ bơi một phần để giải nhiệt, một phần cũng để cho các con tập bơi nhằm phòng tránh nguy cơ đuối nước”, chị Phượng nói.
5555.jpg
Ngày hè, nhiều bể bơi công cộng chật kín người. Ảnh: zing.vn

 

 Tuy nhiên, theo chị Phượng, thời gian gần đây, các con có biểu hiện ngứa mắt, đỏ mắt. Chị đưa con đến bệnh viện thì được xác định bị đau mắt đỏ mà nguyên nhân là do bơi ở hồ bơi công cộng. “Mỗi lần đi bơi, tôi đều cho con mang kính, không hiểu tại sao các con lại bị đau mắt đỏ nữa”, chị Phượng nói.
Cũng như chị Phượng, trong những ngày hè nhiều phụ huynh đã cho con đến hồ bơi. Cũng vì thế, tại nhiều hồ bơi, người xuống hồ chật kín. Trong số đó, không ít người sau đó có các biểu hiện ngứa mắt, đỏ mắt. Một số đã phải đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và điều trị.
img_0621.jpg
Bác sĩ Đặng Xuân Nguyên, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội 2

 Chia sẻ với PNVN, bác sĩ Đặng Xuân Nguyên, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, từ khi bước vào hè đến nay, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân, nhất là trẻ em có biểu hiện ngứa mắt, đỏ mắt, ra gỉ (ghèn) nhiều sau khi bơi ở các hồ bơi công cộng. Đây là những biểu hiện của bệnh viêm kết mạc (bệnh đau mắt đỏ).

Lý giải điều này, bác sĩ Nguyên cho biết, nước hồ bơi là môi trường lý tưởng của vi khuẩn Chlamydia trachomatis, tác nhân gây bệnh viêm kết mạc. Vi khuẩn này có thể từ bộ phận sinh dục lây vào mắt hoặc từ mắt sang mắt. Ngoài ra, viêm kết mạc cũng có thể do hóa chất, các loại vi khuẩn khác có trong nước hồ bơi không được vệ sinh tốt, nhất là tại các hồ bơi ở thành phố, thường xuyên quá tải. Đó là chưa kể ở những hồ bơi không bảo đảm điều kiện vệ sinh, nước hồ bơi có thể chứa những chất thải do một số người kém ý thức khi đi bơi thải ra như khạc nhổ, nước mũi, thậm chí tiểu tiện trong hồ bơi khiến mầm bệnh phát triển, lây lan.
be-boi-ti-vinhomes-smart-city.png
khi trẻ đi bơi nên mang theo kính để hạn chế bệnh về mắt

 Để phòng bệnh, bác sĩ Nguyên cho rằng, khi đi bơi, người dân nên cố gắng đeo kính bơi để phần nào giảm thiểu được lượng nước bẩn mang theo vi khuẩn có hại cho mắt. Đồng thời, người dân cũng chú ý vệ sinh cho mắt sau khi bơi. “Bản thân tôi khi đi bơi bao giờ cũng mang theo một chai nước muối to. Bơi xong là nhỏ mắt, nhỏ mũi, rồi súc miệng để phòng trừ các loại vi khuẩn xâm nhập gây hại cho cơ thể”, bác sĩ Nguyên chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm