Giảm rác thải nhựa từ nguồn với "Túi lưới yêu môi trường"

An Khê
23/02/2025 - 10:26
Giảm rác thải nhựa từ nguồn với "Túi lưới yêu môi trường"

Chị Huỳnh Thị Tường Vy (phải) - đại diện Dự án Echogreen

Thu gom lưới rách, lưới hỏng của ngư dân để tạo ra những chiếc “Túi lưới yêu môi trường” tiện dụng, xinh xắn, những bạn trẻ ở Quảng Nam đã góp phần chuyển đổi số - chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững, trung hòa carbon bảo vệ môi trường.

Chị Huỳnh Thị Tường Vy - đại diện Dự án Echogreen (xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) - cho biết, ý tưởng làm túi lưới tái chế của Echogreen bắt nguồn từ mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường, đặc biệt là vấn đề rác thải nhựa.

Giảm rác thải nhựa từ nguồn bằng “Túi lưới yêu môi trường”- Ảnh 1.

Nhóm thu mua lưới thải và xử lý nguồn lưới thải đầu vào, đồng thời cắt, may thành bán thành phẩm, sau đó may hoàn thiện, vệ sinh thành phẩm

"Từ thực tế khi nhìn thấy các bạn tình nguyện viên dọn sạch các con kênh và bờ biển, tôi nghĩ cần phải có giải pháp bền vững hơn để không chỉ xử lý rác thải mà còn ngăn chặn rác thải nhựa ngay từ đầu. Do đó, ý tưởng việc thu gom lưới ngư cụ đã qua sử dụng hình thành", chị Tường Vy cho biết.

Ban đầu việc tái sử dụng lưới cũ thành túi lưới thay thế túi nylon là một ý tưởng nhưng khi bắt đầu vào dự án, nhóm nhận thấy rất tiềm năng bởi vì nó chính là một mô hình kinh tế tuần hoàn, vừa giảm thiểu rác thải, vừa nâng cao nhận thức về tiêu dùng xanh. "Túi lưới yêu môi trường" không chỉ là sản phẩm thân thiện môi trường mà còn tạo ra giá trị kinh tế - một công việc mới, một nguồn thu nhập mới, đặc biệt hỗ trợ người khuyết tật thông qua sản xuất sản phẩm bằng thủ công.

Nhóm bắt đầu thu mua lưới thải và xử lý nguồn lưới thải đầu vào đồng thời cắt, may thành bán thành phẩm, sau đó may hoàn thiện, vệ sinh thành phẩm.

Giảm rác thải nhựa từ nguồn bằng “Túi lưới yêu môi trường”- Ảnh 2.

Túi lưới được sử dụng rộng rãi tại địa phương

Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng trong thực tế, việc thu mua lưới thải mất nhiều công sức và thời gian. Trong khi đó, nhóm chưa đủ nguồn lực để đi thị trường và khảo sát lưới cũ. Tiếp theo, quy trình xử lý lưới cũ tốn chi phí, tốn nhiều công sức trong khâu vận hành, sản xuất và quản lý vì làm thủ công. Thị trường túi tái chế chưa phổ biến, cần thời gian để thay đổi thói quen người tiêu dùng. Khả năng cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ từ túi nylon chưa cao.

"Là 1 doanh nghiệp xã hội nhưng chúng tôi gặp khó khăn về tài chính, nhà xưởng, máy móc, sản phẩm may thủ công nên giá thành chưa được tối ưu. Trong thời gian thực hiện tiếp cận đến cộng đồng, trải nghiệm của người dân về túi lưới chưa nhiều nên đầu ra rất khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi đã nỗ lực để đi từ ý tưởng đến thực tế và đang ngày càng có thành quả rõ rệt hơn", Tường Vy cho hay.

Theo chị Tường Vy, túi nylon mất hàng trăm năm mới phân hủy gây ô nhiễm đất, nước và đại dương xanh. Còn túi lưới tái sử dụng nhiều lần, giảm nhu cầu sử dụng túi nylon, góp phần giảm rác thải nhựa, giảm phát thải Co2.

Giảm rác thải nhựa từ nguồn bằng “Túi lưới yêu môi trường”- Ảnh 3.

Tổ hợp may “Túi lưới yêu môi trường”

"Túi lưới yêu môi trường" có nhiều ưu điểm so với các loại túi thông thường như: thân thiện với môi trường có thể tái sinh khi kết thúc vòng đời sản phẩm. Tiện lợi dễ sử dụng, thời trang, bền chắc, sạch sẽ thoáng khí. Túi lưới không lưu giữ mùi gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ngoài những ưu điểm về mặt sử dụng thì việc sử dụng túi lưới có các tác động tích cực đến môi trường như giảm rác thải, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ đa dạng sinh học, tiết kiệm tài nguyên, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Đặc biệt, việc sử dụng nguồn lưới cũ bỏ đi và biến chúng thành những túi lưới hữu ích, sử dụng thay thế cho túi nylon sử dụng một lần sẽ góp phần giảm phát thải túi nylon đầu nguồn.

Anh Ngô Tân Thiện, Giám đốc dự án, cho biết, từ tháng 7/2024 đến nay, Echogreen đã sản xuất và phân phối hơn 2.000 túi lưới yêu môi trường tới tay người tiêu dùng tại các tỉnh thành trong cả nước. Đặc biệt, túi lưới được phân phối cho một số Hội LHPN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam để thực hiện mô hình "5 có, 3 sạch" và "Phụ nữ đi chợ nói không với túi nylon". Các hiệp hội doanh nghiệp, đơn vị du lịch và các trường học cũng đồng hành sử dụng túi lưới yêu môi trường.

Anh Thiện cũng vui mừng chia sẻ: "Hiện nay, các tổ chức quốc tế cũng hết sức quan tâm, gần đây nhất là tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF đã đặt hàng túi lưới. Song song với đó, chúng tôi cũng đang thực hiện liên kết trưng bày và bán thương mại tại Hội An, TPHCM, Kon Tum, TP Huế, Đà Nẵng với mục tiêu lan tỏa giới thiệu cho khách du lịch và người tiêu dùng sử dụng sản phẩm rộng rãi".

Những bạn trẻ của Echogreen bày tỏ mong muốn "Túi lưới yêu môi trường" đến tay người tiêu dùng nhiều hơn để cộng đồng nhận thức được tầm quan trọng của việc giảm rác thải nhựa, giảm phát thải CO2, chuyển đổi sang thói quen tiêu dùng xanh, bền vững. Sử dụng túi lưới không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn thể hiện trách nhiệm với xã hội. Bởi lẽ, môi trường là sự sống - nếu ô nhiễm, sự sống cũng bị đe dọa. Đây không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là nền tảng phát triển bền vững cho thế hệ tương lai.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm