Vụ việc sập giàn giáo khiến 25 học sinh tại trường tiểu học Huỳnh Văn Bánh (huyện Bình Chánh, TPHCM) bị thương nặng và đưa đi cấp cứu ngay đúng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2018 vẫn còn làm nhiều phụ huynh vô cùng lo lắng. Vụ việc trên đã gióng thêm một hồi chuông cảnh báo về đảm bảo an toàn trong nhà trường cho học sinh. Ngay sau đó, các trường trên địa bàn TPHCM đã đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn, phòng chống tại nạn thương tích trong nhà trường.
Tai nạn thương tích học đường còn dễ thấy ở những sự việc nhỏ lẻ và ít có con số thống kê như vấp ngã, học sinh xô đẩy nhau, chấn thương phần mềm, hay chấn thương sọ não... Dù ở mức độ nào thì vấn đề an toàn trường học đều cần đặt lên hàng đầu.
Hiện nay, công tác đảm bảo an toàn trường học trên địa bàn TPHCM đã được thắt chặt. Các trường đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn và phòng tránh tai nạn thương tích cho học sinh như: Lồng ghép các nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong chương trình giáo dục; chú trọng các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích đuối nước, cháy nổ, bạo lực học đường, an toàn giao thông...
Cụ thể, tại trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (Quận 8, TPHCM), hiệu trưởng Lê Huỳnh Diễm Thúy cho biết: An toàn học đường là dành cho cả giáo viên và học sinh. Công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh, học sinh thực hiện nghiêm túc quy định về an toàn trong trường học được quan tâm hàng đầu. Cách thức đảm bảo an toàn được triển khai cụ thể như: Vào thời gian ra chơi, đầu giờ lên lớp các học sinh học trên tầng sẽ phải tập trung dưới sân trường, không cho đứng dọc các hành lang. Chi đoàn giáo viên phối hợp với tổng phụ trách đội phân công sao đỏ trực để hạn chế tai nạn. Nhà trường còn xây dựng hàng rào an toàn bao bọc và cắt tỉa cây xanh gọn gàng...
“Công tác đảm bảo an toàn mỗi trường một phương án tùy vào tình hình cụ thể. Tại trường Nguyễn Trung Ngạn, khi vào trường, chúng tôi đã xây dựng ngay cho học sinh thói quen không được bu bám thậm chí đứng cạnh các hành lang trên tầng lầu. Giờ ra chơi phải xuống sân để tránh những lúc học sinh chơi đùa thái quá, gây tai nạn thương tích. Các thầy cô giáo thường xuyên nhắc nhở học sinh và khuyến khích chơi các trò chơi tĩnh. Những trò chơi lên quan nhiều đến vận động thì tập trung về khu nhà đa năng. Đặc biệt, với học sinh nữ, chúng tôi không cho đeo đồ trang sức quý giá khi đến trường nhằm hạn chế rủi ro cho các bé”, bà Lê Huỳnh Diễm Thúy cho biết thêm.
Với đặc điểm địa lý, quận 8 nằm khu vực gần sông lớn nên vấn đề về phòng, chống đuối nước được nhà trường chú trọng. Nhà trường đã xây dựng được hồ bơi theo mô hình lắp ráp và mở tiết dạy cho tất cả các học sinh. Đây cũng là trường tiểu học đầu tiên trên địa bàn quận có hồ bơi. “Hồ bơi lắp ráp khá tiện ích, mực nước vừa phải, khi nào không sử dụng có thể xả hồ và cất, tránh trường hợp học sinh tự ý vào hồ bơi những lúc không có người quản lý”, bà Lê Huỳnh Diễm Thúy chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức các buổi ngoại khóa nhằm rèn kỹ năng sống, ý thức cho học sinh, trang bị đầy đủ các phương tiện y tế, phòng, chống cháy nổ trong trường, xâm hại đối với học sinh, thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm.
Em Nguyễn Huỳnh Trúc Vy, học sinh lớp 5/4, trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn, chia sẻ: “Lúc đầu giờ vào lớp hay giờ ra chơi, con đều xuống khu nhà tròn ở sân trường để chơi cùng các bạn. Sân trường rộng và có nhiều cây xanh nên con và các bạn rất thích chơi ở dưới. Con cũng biết thầy cô muốn tốt cho tụi con nên mới không cho đứng ở các hành lang trên lầu”.
Để có môi trường giáo dục an toàn, thiết nghĩ, ngay từ cấp đầu ngành cũng cần biên soạn chương trình giáo dục với kiến thức về bảo vệ trẻ em từ tiểu học tới THPT có các kỹ năng phù hợp lứa tuổi, để giúp các em hiểu và chủ động bảo vệ mình trong những tình huống cần thiết.